Bấy lâu nay, vì nhiều lý do mà một bộ phận giáo viên mầm non áp đặt trẻ vào các hoạt động trong lớp học bằng dọa nạt, cô lập. Các chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, những hành động này sẽ làm trẻ luôn trong nỗi sợ hãi và được coi là những bạo hành về tinh thần. Những sang chấn tinh thần này lâu dần sẽ hình thành tính cách tiêu cực và có hệ lụy lâu dài. Đây không phải là cách dạy “lấy trẻ làm trung tâm ” mà ngành giáo dục đang hướng tới.
NHỮNG SANG CHẤN TINH THẦN THEO SUỐT CUỘC ĐỜI
Không dừng ở những câu mệnh lệnh, một số giáo viên từng nhốt trẻ vào nhà vệ sinh, sỉ nhục trẻ khi tè dầm. Kết quả, trẻ luôn sống trong sợ hãi và những sang chấn về tinh thần này sẽ ám ảnh trẻ suốt cuộc đời.
Đứa trẻ bất an
Khi người hàng xóm hỏi thân thiện cậu bé G.H (3 tuổi rưỡi, học tại một trường mầm non tại Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bỗng tát mạnh vào mặt người hàng xóm, khuôn mặt tỏ rõ sự hung hãn. Cùng lúc, khi nhìn thấy bạn cầm đồ chơi của mình cậu bé xông tới giật, cào vào mặt bạn và hét lên: “Đưa đây. Úp mặt vào tường đi”. Khi bạn khóc vì đau thì G.H nói trong lạnh lùng: “Kệ nó đi. Cho nó khóc”.
Trước tình huống này, chị Nguyễn Hồng Minh mẹ của G.H (Khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi bất an. Chị Hồng Minh cho biết: “Đã 3 tháng từ ngày con đi học, con trở nên hung hãn bất thường. Tìm hiểu ra tôi biết đó là những lời nói, hành động của giáo viên!”.
Bé trai 3 tuổi bị cô giáo véo tai, dúi đầu, lột trần vì tè dầm khi ngủ tại trường mầm non Ánh Dương, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Chụp màn hình clip.
“Những câu mệnh lệnh xuất hiện khi con nói: “Kệ nó, để cho nó khóc”, hay bắt anh trai “úp mặt vào tường đi” khi không đồng ý điều gì thì chỉ là từ giáo viên. Tháng đầu tiên khi con tới trường tôi vẫn nghe thấy tiếng con nói trong mơ: “Không đi học đâu, không đi đâu” và thường xuyên giật mình, khóc thét trong đêm. Thực sự đau lòng, tôi đã chia sẻ những thay đổi này của con với giáo viên thì được cô trả lời: “Nếu con làm sai thì úp mặt vào tường để phạt là tốt cho con rồi. Lần sau con sẽ không làm như vậy nữa”. Tôi cảm thấy bất lực bởi hình thức này kể cả trường công hay trường tư đều diễn ra như vậy. Và cách nào để con được đi học trong vui vẻ, bình an?”, chị Hồng Minh tâm sự.
Không chỉ dừng ở những câu mệnh lệnh kèm theo thái độ la mắng. Một bộ phận giáo viên còn có hành vi sỉ nhục trẻ. Chuyện xảy ra ở trường Mầm non Ánh Dương (quận Hà Đông, Hà Nội). Trong clip mà gia đình cung cấp được từ camera trực tuyến ở tường mầm non như sau: Một bé trai 3 tuổi bị cô giáo đè đầu, gí tai xuống đất, sau đó lột đồ ra, đồng thời cho cả lớp “lêu lêu” bé vì tè dầm. Phụ huynh của bé trai (xin giấu tên) cho biết. Trẻ em tè dầm là bình thường, mà lôi thằng bé ra góc đánh (chắc góc đó không có camera), may mà camera ghi lại được một góc”. Sở GD – ĐT Hà Nội đã vào cuộc, giáo viên này đã bị xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, phụ huynh cho biết, cậu bé đã sống trong sự căng thẳng và sợ hãi khi tới trường.
Vì đâu nên nỗi
Theo ghi nhận, muốn để cho các bé vào khuôn khổ giờ học hay một hoạt động chung nào đó, nhiều giáo viên (cả ở khu vực công lập, tư thục) theo thói quen đã không tiếc dùng những câu mệnh lệnh như: “Nếu con không… cô sẽ…”, đưa trẻ vào thế cô lập với những trẻ khác. Theo các chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý học, thì ngay khi trẻ bị đưa vào trạng thái cô lập hay được cảnh báo sẽ bị đau đớn về thân thể dù chỉ bằng ngôn từ, trẻ sẽ làm theo, nhưng cảm giác lo sợ, bất an luôn đeo đẳng trẻ.
Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, giáo viên tại các cơ sở mầm non đa phần là các cô còn trẻ tuổi, mới ra trường, thiếu kinh nghiệm chăm sóc trẻ. Do đó mới có ứng xử không đúng khiến trẻ bị sang chấn tâm lý. Theo bà Đường Thị Lệ, Phó trưởng phòng GD – ĐT quận Hà Đông, Hà Nội thì mặc dù thông cảm với đội ngũ giáo viên mầm non bởi họ dễ bị căng thẳng trong quá trình nuôi dạy trẻ hoặc thu nhập thấp. Nhưng cần thừa nhận chất lượng giáo viên mầm non chưa đồng đều, thậm chí có giáo viên chưa được đào tạo cơ bản.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở giáo dục mầm non công lập không đáp ứng được nhu cầu của trẻ nên cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển khá nhanh dẫn đến việc khó quản lý chất lượng. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Quy định chủ nhóm trẻ chỉ cần học hết THPT và có chứng chỉ nghề học trong 3 tháng là quá dễ dãi. Với quy định này, người không qua trường lớp đào tạo cũng có thể làm quản lý. Không có trình độ, nghiệp vụ sư phạm cũng có thể chăm sóc và dạy trẻ là không hợp lý. Khi làm việc, nhiều chủ cơ sở phó mặc cho giáo viên dạy trẻ là nguy cơ trẻ dễ bị bạo hành. Ngay khi phường tạo điều kiện mở lớp đào tạo nghiệp vụ miễn phí nhưng chủ những nhóm lớp, trường tư thục này không giam gia. Điều này rất khó trong quản lý”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thì việc quá áp đặt vào một chương trình, khuôn khổ lớp học cũng khiến giáo viên căng thẳng. Trong khi đó, ở lứa tuổi nhỏ, nói đi nói lại rồi các con vẫn chưa quay lại hoạt động của lớp học. Đây cũng là một áp lực gián tiếp dẫn đến trẻ dễ bị bạo hành tinh thần.
Bà Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Giáo dục IEDV cho biết: Giai đoạn từ 0-6 tuổi được coi là giai đoạn vàng, những gì tiếp nhận trong thời gian này (cả tích cực và tiêu cực) được trẻ thẩm thấu rất nhanh. Bạo hành tinh thần trẻ em nói riêng và bạo hành thể xác nói chung bên cạnh việc gây ra những chấn thương tâm lý, khiến trẻ tự ti, mất kiểm soát cảm xúc, hung bạo, hay cáu gắt, khóc lóc, thậm chí đánh đập người khác, độc ác với thú vật… còn có những hệ lụy lâu dài khác rất nguy hại cho không chỉ gia đình mà toàn xã hội.
Nguồn: http://baotintuc.vn/
Để lại một phản hồi