“Thiên tài và sự giáo dục từ sớm” – hiểu đúng như thế nào?

Trong quá trình đào tạo giáo viên mầm non về Montessori nói riêng và giáo dục sớm nói chung, tôi nhận thấy, có rất nhiều giáo viên chưa hiểu đúng, chưa hiểu trúng, thậm chí hiểu hoàn toàn sai về giáo dục sớm.

Giáo dục sớm – hiểu một cách đơn giản là dẫn dắt, định hướng, dạy trẻ từ trước khi trẻ chào đời một cách khoa học, xuyên suốt và sáng tạo. Nó khác hoàn toàn với quan điểm học nhồi nhét, học gạo hay TIỂU HỌC HÓA MẦM NON. Giáo dục sớm về cơ bản không quá khó nếu đội ngũ giáo viên được trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp phù hợp.

Trong cuốn sách “Em phải đến Harvard học kinh tế”, câu chuyện Đình Đình (sinh năm 1981) đã được mẹ định hướng, kiên trì dạy rất kỹ, chi tiết ngay từ khi còn nhỏ. Mẹ Đình Đình luôn dạy con bằng tâm thế của sự sẻ chia, từ tốn và nhẫn nại. Có nhiều việc Đình Đình hỏi, mẹ chưa đủ kiến thức để giải thích, mẹ “khất nợ” và sẽ trả lời vào một dịp phù hợp. Hầu như không có sự mắng mỏ, nạt nộ, dọa dẫm hay bạo lực. Vì thế, Đình Đình luôn giữ được ngọn lửa ham học hỏi, khát khao tìm hiểu và tìm hiểu kỹ về bất cứ thứ gì xung quanh: cành cây, ngọn cỏ, vật dụng trong gia đình, tự làm công việc cá nhân, vệ sinh nhà cửa và sau này là tự học, tự nghiên cứu… Từng độ tuổi, Đình Đình đều làm rất chỉn chu những việc trong khả năng. Đặc biệt, đây là một cô bé tự tin, hiểu chuyện và giàu lòng trắc ẩn.

Chưa hết, đối với việc học, Đình Đình cũng duy trì được nếp học sâu, tự nghiên cứu (đương nhiên từ nhỏ nhờ sự định hướng, chỉ dạy của mẹ). Đây là nền tảng quan trọng để sau này, Đình Đình được vào thẳng Harvard và đậu học bổng từ nhiều trường danh tiếng khác.

Những thầy cô chưa có điều kiện đọc các sách chuyên về giáo dục sớm như Montessori, Gleen Doman, Shichida thì rất nên đọc cuốn “Em phải đến Harvard học kinh tế”. Cuốn sách được dịch rất tốt (có phiên bản mới update quá trình Đình Đình học tại Harvard gần đây nhất) để hiểu hơn về lõi của giáo dục sớm, bản chất của giáo dục sớm hoàn toàn không phải học nhồi nhét, học gạo hay TIỂU HỌC HÓA MẦM NON.

Giáo dục sớm, nếu giáo viên làm chủ được phương pháp – thấm nhuần Montessori lại càng tuyệt vời – thì không chỉ giáo viên đó, trường học đó mà lớp lớp thế hệ học trò được thụ hưởng nền giáo dục, văn hóa giáo dục, giá trị giáo dục mà chúng ta vẫn đang mơ ước.

Thay vì mơ, thay vì ngồi trông đợi sự đổi mới, tôi tha thiết mong rằng, mỗi giáo viên chúng ta phát huy vai trò tự học, tự nghiên cứu, tự đọc tài liệu, tự chia sẻ cho nhau giải pháp cùng phát triển.

Và, nếu *Cộng đồng giáo viên Montessori tinh hoa Việt Nam* của chúng ta sẵn sàng sẻ chia, tôi sẽ cập nhật nhiều bài viết phân tích sâu dưới hình thức: nghiên cứu, trải nghiệm và ứng dụng để các thầy cô trong ngành mầm non cùng phát triển.

Đôi điều xin được chia sẻ đến các thầy cô. Tôi tha thiết mong, bằng chính năng lực nội tại tự học của các thầy cô, chúng ta thay đổi được diện mạo giáo dục mầm non, khiến phụ huynh, dư luận và cộng đồng không còn coi thường, coi rẻ giáo viên mầm non nữa.

Giáo viên mầm non cũng là Thầy, cũng đang góp phần dạy CON của chúng ta nên NGƯỜI. Vì thế, Thầy cô đáng được coi trọng, đáng được trân quý!

Xin gửi tặng Thầy Cô cuốn sách này, đây cũng là cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu về giáo dục sớm. Thầy cô có thể đọc trên điện thoại hoặc in ra sử dụng (bản tóm lược)

P.s: File sách “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm” trong link đính kèm http://bit.ly/2NK9yAd

Hà Nội, ngày 18/4/2018
Thân mến,
Lê Thị Lan Anh​
________________________
Tóm tắt sách:
Thiên Tài Và Sự Giáo Dục Từ Sớm – Kimura Kyuichi
“Một người trở thành thiên tài hay không hoàn toàn là do yếu tố di truyền”– quan niệm đó dường như đã trở thành “tín ngưỡng” chung từ xưa.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy không phải yếu tố di truyền, mà chính môi trường sống và sự giáo dục mới là yếu tố quyết định. Và sự giáo dục từ sớm là minh chứng cho lập luận này.
“Nếu có thể làm cho dù chỉ một linh hồn trở nên tốt đẹp thì ta đã không tồn tại vô ích trong cuộc đời này”…

“Nhiều năm trước đây thường xảy ra chuyện con cái của những gia đình giàu có bị bắt giữ vì những hành vi trái đạo. Khi ấy, những gia đình giàu có này sẽ tìm đến cánh nhà báo mà họ vẫn hay qua lại để phân bua: “Tôi vì quá bận rộn với việc kinh doanh nên không để mắt đến con cái được. Nay xảy ra hậu quả thế này, tôi thật không còn mặt mũi nào nữa…”. Những lời nói như thế từng được đăng trên khắp các mặt báo.

Nói rằng công việc kinh doanh bận rộn đến mức không có thời gian dành cho con cái chỉ là ngụy biện cho sự quá ham mê kiếm tiền cho bản thân. Trên đời này chắc chắn có nhiều những người như thế và cuốn sách này viết ra hiển nhiên không phải để cho những người đó đọc. …”

Mục Lục :
Lời nói đầu
Lời tựa

Chương 1 : Giáo dục từ sớm là đào tạo thiên tài
Chương 2 : Phương pháp giáo dục của Witte
Chương 3 : Anh em Thomson, Mill, Goethe được giáo dục như thế nào?

Chương 4 : Thiên tài được sinh ra như thế nào ?
Chương 5 : Quan điểm giáo dục của Sidis
Chương 6 : Phương pháp giáo dục của Berle
Chương 7 : Phương pháp giáo dục của Stoner