PHÒNG TRÁNH: NHỮNG SAI LẦM CHẾT NGƯỜI CỦA START – UP

Nhân buổi hội thảo về start up, lắng nghe rất nhiều những câu hỏi của các bạn trẻ đang trong giai đoạn khởi nghiệp băn khoăn, lo lắng, lúng túng trước nhiều ngã rẽ; Lan Anh viết đôi dòng về vấn đề này dựa trên kinh nghiệm bản thân và những thông tin học mót được từ anh Tuan Nguyen VCCorp. Bài viết này không thể trả lời mọi câu hỏi nhưng phần nào có ích cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn đang trong giai đoạn start up. Biết để PHÒNG & TRÁNH:

1) THUẦN VIỆT

1.1- Sản phẩm của tôi là “Thuần Việt”, phục vụ nhu cầu của người Việt, phát triển vì người Việt…vân vân và mây mây…
Vâng! Sản phẩm vì người Việt, dành cho người Việt, phát triển vì người Việt, được làm bởi người Việt là RẤT TỐT, CỰC TỐT, RẤT ĐÁNG TRÂN TRỌNG (xét ở góc độ trí tuệ và tinh thần dân tộc). Vấn đề đáng nói ở đây là: Vì quá nhấn vào yếu tố “Thuần Việt”, start up quên mất phải trả lời câu hỏi rằng “Khách hàng của chúng ta cần gì, muốn gì, nhu cầu ra sao?” – mà khách hàng mới là người trả tiền cho sản phẩm.

Nghĩ thế, nên đi đâu, làm gì cũng truyền thông yếu tố “Thuần Việt” lên trên hết, bỏ qua các đặc tính sản phẩm, dịch vụ khách hàng, giá trị cốt lõi… – dễ gây hiểu lầm cho khách hàng là: Sản phẩm của bạn chỉ “Thuần Việt” mà không có gì KHÁC BIỆT. Mà nếu không có gì khác biệt, tiện ích hơn, ưu việt hơn thì thật khó để PHÁ VỠ THÓI QUEN CỦA KHÁCH HÀNG KHI ĐÃ DÙNG SẢN PHẨM KHÔNG THUẦN VIỆT trước đó.

Ví dụ: (1) Người dùng điện thoại Nokia đều ngại chuyển sang dùng SamSung – dù điện thoại Samsung có nhiều TIỆN ÍCH hơn: chụp ảnh, truy cập internet tốc độ cao hơn…- nhất là những fan lâu năm, lớn tuổi của Nokia. (2) Xét về độ thông minh, hữu dụng, độ bền, đẹp…thì SamSung KHÔNG THỂ SÁNH BẰNG dòng điện thoại Sony. Tôi đã dùng điện thoại Sony Ericson nhiều năm và rất thích dòng sản phẩm này. Cho đến khi Sony tuyên bố bên bờ vực phá sản, sát nhập…, khi đó tôi mới mua Samsung – dù thực lòng, vẫn muốn dùng dòng smart phone của Sony hơn.
-> Đó đơn giản là THÓI QUEN SỬ DỤNG SẢN PHẨM CỦA KHÁCH HÀNG

1.2- Giải pháp: Đẩy mạnh truyền thông yếu tố THUẦN VIỆT đi kèm với KHÁC BIỆT
Thay vì chỉ nói “Sản phẩm của tôi là THUẦN VIỆT” – thì hãy nói cho khách hàng biết tôi có gì KHÁC BIỆT. Điểm KHÁC BIỆT dành cho khách hàng ở chỗ
> Dịch vụ TUYỆT HẢO trong và sau khi dùng sản phẩm (cam kết của bạn với khách hàng ra sao)
> Tiện ích cho người dùng (được mô tả chi tiết như thế nào?)
> Thuận tiện với thói quen, văn hóa người Việt… (cần phải tính đến phân khúc khách hàng, vì nhiều khách hàng có thói quen Tây, luôn sử dụng Tiếng Anh trong nhiều trường hợp…)

==> Tóm lại: Sản phẩm của bạn cần có phân khúc thị trường rõ nét, hướng tới đối tượng khách hàng phù hợp. Đi kèm với nó là GIẢI PHÁP TRUYỀN THÔNG, DỊCH VỤ KHÁCH HÀNG…

2) TÔI LÀ SIÊU NHÂN
– Tôi tốt nghiệp ngành A, B trong trường Đại học danh tiếng C, D ra
– Tôi có 3 năm kinh nghiệm X, Y
– Tôi có mối quan hệ P,Q
– Tôi có hậu thuẫn gia đình C, S
….

“Tóm lại, TÔI LÀ SIÊU NHÂN, tôi có thể TỰ LÀM ĐƯỢC MỌI THỨ: Từ công tác hành chính, văn phòng đến kế toán; từ quản trị hệ thống đến đối ngoại khách hàng; từ chuyên môn tới marketing…” => Cam đoan với bạn rằng, ÔM CẢ THẾ GIỚI như thế, bạn sẽ chỉ là một NGƯỜI THỢ CẦN MẪN, CHUYÊN GIA SIÊU HẠNG chứ khó để TẠO RA SỨC BẬT PHÁT TRIỂN CỦA TỔ CHỨC.

Với quan điểm TÔI LÀ SIÊU NHÂN: Tự bạn đã đóng cửa nhiều mối quan hệ tiềm năng xung quanh mình, network hạn chế vì mọi người sẽ tạo cho bạn SÂN CHƠI đậm chất SIÊU NHÂN của bạn.

3) HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG

Sản phẩm TỐT -> ĐƯƠNG NHIÊN sẽ bán chạy, bán tốt.
Xin thưa: Quan điểm này đã rất đúng, hoàn toàn đúng trong các thế kỷ mười mấy. Còn bây giờ là thế kỷ 21, mỗi sản phẩm có hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhà cung cấp. Khách hàng của bạn không phải ở 1 phường, 1 quận mà ở 1 tỉnh, 1 nước và cả thế giới. Như thế, dù HƯƠNG của SẢN PHẨM có thơm đến đâu, chất lượng có tốt nhất thì cũng không thể XẠ (lan tỏa) đến CÔNG CHÚNG MỤC TIÊU ở nhiều vùng miền (một cách vật lý) – chưa nói tới việc họ biết và dùng sản phẩm của bạn.

Rất nhiều sản phầm “thuần Việt” TỐT như: (1) kem đánh răng Dạ Lan bị CHÌM NGHỈM (hoặc gần như mất hẳn) trong tâm trí khách hàng trước LÀN SÓNG TRUYỀN THÔNG RẦM RỘ của P/S, Colgate; (2) dầu gội Thái Dương chọn thị trường ngách “chống rụng tóc” và chỉ hiện diện trong hiệu thuốc – cũng ít người nhớ đến trước các tên tuổi: Dove, Pantene, Rejoin …Sản phẩm tốt nhưng không “tỏa hương” tới khách hàng do không có kinh phí truyền thông, không đầu tư cho truyền thông. Thị trường vì thế ngày một co hẹp.

Truyền thông thì ngốn kinh phí khủng khiếp nếu không có cách làm phù hợp -> Lại là bài toán nan giải với start up.

4) Thích đối đầu với NGƯỜI KHỔNG LỒ
Start up: Là giai đoạn khởi nghiệp ban đầu của bất cứ ai. Dám dấn thân để TỰ LÀM chứ không phải LÀM CÔNG ĂN LƯƠNG – chỉ riêng điều đó thôi bạn cũng đã được trân trọng lắm rồi. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều bạn trẻ TỰ TIN QUÁ MỨC, cho rằng: – Với vài năm kinh nghiệm làm ở công ty A, mấy năm học đại học trường B -> tôi đã hội tụ mọi yếu tố để chính thức start up.

Xin thưa: để trở thành NGƯỜI KHỔNG LỒ, họ đã phải chết đi sống lại ít thì chục lần, nhiều thì trăm lần, nhiều nữa thì cả ngàn lần. Ngã lại dậy, lại rút kinh nghiệm, lại bước tiếp. Từ một công ty mới tập bò, rồi sang giai đoạn tập đứng, tập đi, tập chạy… họ mới thành NGƯỜI KHỔNG LỒ được. Nghĩa là họ đã có thời gian để trải nghiệm, để thử nghiệm, để rút kinh nghiệm, để tạo dựng mối quan hệ, để đào tạo và tự đào tạo, để vươn ra thị trường và phát triển. Bạn chỉ là một hạt giống trong cả vườn ươm là một cá nhân trong 1 phòng ban nhỏ – thì những gì TÍCH LŨY được cũng nhỏ bé như chính bạn thôi.

Nói như thế, không có nghĩa là coi nhẹ sự nỗ lực cố gắng của bạn – bởi ngoài kia, có cả triệu người thành công mà họ KHÔNG QUA TRƯỜNG LỚP đào tạo, KHÔNG LÀM CHO CÔNG TY nào trước đó. Song, họ đã bầm dập, họ đã dấn thân thế nào – bạn cần gặp để hỏi họ, để được lắng nghe cách họ đã trải qua thử thách, cách họ TỰ HỌC, TỰ HÀNH, TỰ NGÃ, TỰ CHẾT LÂM SÀNG – và TỰ DẬY ra sao.

Mọi con đường đều đến thành ROME – chân lý đó chưa bao giờ sai. Con đường đó có thể là: đường không, đường biển, đường bộ; đi trên các con đường đó có thể bằng máy bay, tàu ngầm, tàu thủy, ô tô, xe máy, xe ba gác hay thậm chí đi bộ. Cách nào cũng được, kiểu gì (nếu không chết dọc đường) – thì bạn cũng sẽ đến ROME. Vấn đề là thời gian và tiền bạc mà bạn sẽ phải trả cho chặng đường ấy. Với nhiều người: đôi khi cái giá đó là CẢ CUỘC ĐỜI, CẢ SỰ NGHIỆP, CẢ DANH TIẾNG.

Lời khuyên: (1) Trước khi bắt đầu tạo ra một sản phẩm tương tự với những NGƯỜI KHỔNG LỒ, bạn nên tự đối diện với NGƯỜI KHỔNG LỒ trong chính bạn một cách NGHIÊM TÚC nhất. (2) Cách khác: Bắt tay hợp tác với NGƯỜI KHỔNG LỒ – nếu bạn có ý tưởng, dự án đủ thông minh, đủ thuyết phục họ đầu tư -> Áp dụng THUYẾT ĐỨNG TRÊN VAI NGƯỜI KHỔNG LỒ.

4) SỢ BỊ ĂN CẮP Ý TƯỞNG

Bạn trẻ thường có nhiều ý tưởng sáng tạo thông minh nhưng lại LUÔN SỢ bị NGƯỜI KHÁC ĂN CẮP mất ý tưởng đó. Nghĩ thế nên KHÔNG DÁM NÓI với ai, giữ RIÊNG MỘT GÓC TRỜI cái suy nghĩ đó, cái ý tưởng đó.

Bạn nghĩ như vậy cũng đúng. Nhưng, thử làm một phép tính thế này nhé: Thế giới có 7 tỷ người thì cả triệu năm qua cũng phải có ít nhất ngần ấy Ý TƯỞNG liên quan đến các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, cũng có thể, ý tưởng của bạn đã có hàng trăm người trước đó nghĩ tới. Điều quan trọng là AI LÀM và LÀM NHƯ THẾ NÀO.

Mặt khác, nếu bạn chỉ giữ ý tưởng đó cho riêng mình thì bạn không thể biết nó đúng hay sai, nó có thật sự hữu ích và mang lại giá trị cho cộng đồng không. Thế giới quan 1 người có lớn đến đâu cũng như con ếch thấy bầu trời TO BẰNG MIỆNG GIẾNG. Bởi vậy, bạn nên chia sẻ nó cho nhiều người, cho thật nhiều người – đặc biệt là những người có kinh nghiệm hơn bạn, có sự trưởng thành và thành công hơn bạn – bạn sẽ nhận được rất nhiều góp ý, rất nhiều cách hay cho việc hoàn thiện GÓC TRỜI của bạn đó. Bạn không cần tin tôi viết, mà hãy tìm đọc cách mà hàng ngàn người KHỔNG LỒ thành công trong sử sách đã làm như vậy.

Trong lịch sử: (1) Steve Job có ý tưởng làm điện thoại KHÔNG DÙNG PHÍM BẤM – quá điên rồ thời điểm đó. Nhưng ông đã thành công khi chia sẻ mong muốn, ý tưởng đó cho đồng nghiệp, cộng sự – và họ đã làm được – một cách THÀNH CÔNG. (2) Lưu Bị có thể XƯNG BÁ không nếu không chia sẻ khát vọng đó bằng việc 3 lần tới lều cỏ cầu KHỔNG MINH.

Cuộc sống là sư CỘNG SINH. Một cây có đẹp, có cao, có to, có khỏe đến đâu – cũng chỉ là MỘT CÂY ĐẸP ĐƠN LẺ cho mọi người đi qua xuýt xoa, nhìn ngắm. Cái cây đó không thể trở thành RỪNG CÂY ngăn đê, chắn lũ cho người dân. Sự khác biệt là ở chỗ đó.

5) BỎ THÌ THƯƠNG, VƯƠNG THÌ TỘI
Start up thường có tâm lý: Làm ra 1 sản phẩm rồi, muốn giữa nó, muốn bằng mọi cách phát triển nó – dù nó chưa thật tốt, chưa “chạm đến trái tim” người dùng. Đưa ra thị trường một thời gian chưa được đón nhận. Không thể phát triển tiếp sản phẩm song vẫn muốn níu giữ.

Đứa con tinh thần – có ai mà muốn phá bỏ?!. Song thực tế, nếu SỬA LẠI lâu hơn LÀM MỚI – thì bạn nên MẠNH DẠN ĐẬP BỎ cái chưa tốt, chưa hoàn thiện – bắt tay làm một cái MỚI khác. Những gì chưa làm được trong sản phẩm cũ – biến nó thành KINH NGHIỆM để không lặp lại trong SẢN PHẨM MỚI -> Tự rút kinh nghiệm như thế – bạn cũng đã thành công rồi – thành công nhờ không mắc phải GÓT CHÂN ASIN.

Tóm lại:
– Start up có rất nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều rủi ro, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định
– Start up cần vạch ra lộ trình, kế hoạch càng chi tiết càng tốt -> tránh việc vừa làm vừa không biết đúng hay sai, cách làm chưa rõ dẫn đến đi vào ngõ cụt
– Start up cần học kinh nghiệm, rút kinh nghiệm triệt để từ những THÀNH CÔNG & THẤT BẠI từ những NGƯỜI KHỔNG LỒ.
– Nếu có thể ĐỨNG TRÊN VAI NGƯỜI KHỔNG LỒ – thì cứ mạnh dạn ĐỨNG. Chớ ngại họ ĂN CẮP Ý TƯỞNG CỦA BẠN.
– Xóa bỏ tâm lý HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG – để bước vào thị trường với đầy đủ những CẠNH TRANH KHỐC LIỆT, sòng phẳng của nó
– Bạn không phải là SIÊU NHÂN để tự giải quyết mọi chuyện: Ví như vị tướng tài Alexander Đại đế – bước chân ông chinh phục gần như toàn bộ lãnh thổ thế giới – nhưng ông không ĐƠN PHƯƠNG ĐỘC MÃ – mà luôn có cả đội quân tinh nhuệ đồng hành.

Đôi điều nho nhỏ xin chia sẻ cùng các bạn start up, một bài viết không thể lý giải mọi chuyện nhưng nếu thấy có ích, bạn hãy share cho những người bạn của bạn – có thể họ sẽ tự rút kinh nghiệm được cách mình đã làm, hướng họ đang đi – rút ngắn hơn con đường thành công của họ.

Hà Nội, ngày 22/12/2013
Lê Thị Lan Anh.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.