Hiện tượng 3 kép kinh điển của Montessori

Hiện tượng 3 kép là gì? Bà Maria đã khám phá được gì từ ba hiện tượng này?

Hiện tượng 3 kép là gì?

Là 3 hiện tượng bà Maria thấy khi quan sát những đứa trẻ trong Ngôi nhà Trẻ Thơ đầu tiên của mình. Từ đó bà khám phá được bí mật trẻ thơ và thay đổi những nhận thức cố hữu về trẻ thơ từ trước đến giờ.

Bối cảnh: Khi bà Maria còn là bác sĩ, bà đã nhận thấy những tác dụng tuỵệt vời của các giáo cụ đã giúp những đứa trẻ có sự chệch hướng phát triển (không bình thường) quay trở về quỹ đạo phát triển bình thường. Bà đặt ra câu hỏi: Liệu những giáo cụ này sẽ tác động như thế nào lên những đứa trẻ bình thường?
Tuy nhiên khi đó không một trường học nào cho phép bà “thí nghiệm” trên học sinh của mình. Và bà luôn trăn trở với câu hỏi đó.

Năm 1907, bà được giao trách nhiệm tổ chức một trường mầm non ở khu phố ổ chuột ở khu vực San Lorenzo, Ý . Những đứa trẻ là con của những công nhân sống trong khu tập thể ở đó và không được quan tâm chu đáo về cả tinh thần lẫn vật chất. Trường học là nơi để những người công nhân có thể yên tâm gửi con đi làm và không lo lắng về việc chúng sẽ lang thang ở các cầu thang hay hành lang và nghịch làm vỡ kính hay bóc tróc hết xi măng tường của tòa nhà.

Bà Maria là người quản lý và chịu trách nhiệm chung cho lớp học, có hai cô giáo phụ trách làm việc với trẻ hàng ngày và sẽ báo cáo chi tiết tình hình ở lớp cho bà vào cuối buổi. Mỗi tuần bà đến trường vài ba lần để quan sát trẻ.

Từ đó, bà nhận thấy các hiện tượng sau:

Hiện tượng 1

Khi đó ở lớp học, giáo cụ vẫn được cất ở tủ. Mỗi ngày khi trẻ đến lớp, các cô giáo sẽ lấy giáo cụ ra cho trẻ hoạt động, và mỗi bạn chỉ được làm một lần rồi phải giao lại cho cô để cô cất vào tủ.

Một hôm, 2 cô giáo sau giờ làm đến phàn nàn với Maria: “Thưa bà bọn trẻ hôm nay thật là hư. Quy định của chúng ta là mỗi bạn chỉ được làm việc một lần rồi phải trả giáo cụ cho giáo viên, nhưng chúng không chịu trả mà cứ đòi làm việc hết lần này đến lần khác. Khi tôi lấy lại thì có trẻ còn lăn ra khóc. Thật là không chịu nổi. Bà thấy đấy, bọn trẻ này không được bố mẹ nuôi dạy cẩn thận nên hành vi của chúng thật vô lễ. Chúng ta nên có biện pháp gì đây?”

Maria nghe vậy và quyết định hôm sau sẽ đến lớp quan sát xem như thế nào?.

Hôm sau, bà vào lớp và lẳng lặng lấy một chiếc ghế ngồi cuối lớp quan sát. Bà đặc biệt chú ý một bé gái đang làm việc say sưa với khối trụ có núm. Bé làm việc với sự say sưa chưa từng thấy, liên tục lấy núm trụ ra lại bỏ vào hố, lại lấy ra.
Khi bà đến và làm bộ vơ lấy giáo cụ của bé thì như một phản xạ tức thì, bé quơ tất cả vào vạt váy của bé và bê ra chỗ khác, làm việc tiếp, không quan tâm mọi thứ xung quanh. Bà bèn kêu các bạn khác hát hò thật to bên cạnh nhưng cô bé không hề mảy may chú ý.

Đến một thời điểm nào đó, bà thấy bé băt đầu dừng lại. Khi đó, bà đã đếm là bé đã lặp đi lặp lại công việc với khối trụ là trên 20 lần, trả giáo cụ cho cô, và bà nhận thấy khuôn mặt bé lúc ấy toát lên vẻ thỏa mãn và hài lòng, như thể bé vừa hoàn thành một nhu cầu nội tại nào đó.

Maria đã quan sát với nhiều trẻ khác nữa và bà cũng thấy những hiện tượng tương tự như vậy diễn ra.

Khám phá 1

Trước đó người ta luôn cho rằng trẻ con không thể tập trung được quá lâu. Nhưng qua sự việc trên, Maria khám phá ra rằng trẻ hoàn toàn có thể tập trung được rất lâu nếu được tự do làm đúng việc mà chúng thích bao lâu tùy ý. Trẻ làm việc gì đó là do một nhu cầu nội tại thôi thúc. Để thỏa mãn nhu cầu đó, trẻ có xu hướng bị cuốn hút từ những cái chúng thích trong môi trường.
Vì sao có những giai đoạn trẻ chỉ thích làm việc với cái này mà không phải cái khác?

Vì có 1 “người thầy” bên trong trẻ thôi thúc trẻ hứng thú với cái này mà không phải cái kia (ví dụ như có giai đoạn trẻ thích những vật nhỏ bé, có giai đoạn trẻ hay cho đồ vào mồm, có giai đoạn trẻ quan tâm đến tính trật tự của môi trường xung quanh…). Để thỏa mãn nhu cầu nội tại của mình, trẻ sẽ bị thu hút bởi những thứ có thể giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu đó trong môi trường. Và trẻ sẽ liên tục LẶP ĐI LẶP LẠI công việc đó để LẤP ĐẦY khoảng trống đang thiếu của nhu cầu bên trong.
Đến một thời điểm nào đó, một giai đoạn nào đó, khi trẻ đã thỏa mãn, cũng là lúc trẻ đã HỌC được, NHẬN được cái gì đó từ giai đoạn này, trẻ sẽ kết thúc giai đoạn này để chuẩn bị sang một giai đoạn phát triển mới với các “sự nhạy cảm” mới.

Vì một lý do nào đó mà trong một giai đoạn phát triển nào đó của mình, trẻ không được cung cấp đầy đủ “nguyên liệu” từ môi trường hoặc bị cản trở từ người lớn, thì trẻ sẽ không phát triển được đầy đủ ở giai đoạn đó.

Ví dụ ở giai đoạn 1-3 tuổi trẻ nhạy cảm với tính trật tự trong môi trường, nhưng vì lý do nào đó mà môi trường bên ngoài trẻ luôn bị xáo trộn, và trẻ không được có cơ hội tham gia giữ trật tự cho nó, khi lớn trẻ sẽ có phong cách bừa bãi luộm thuộm, và tâm trạng dễ bất an.

Ở các giai đoạn nhạy cảm, những gì trẻ học từ môi trường, bất kể xấu tốt đúng sai, đều là những “dấu ấn” đầu tiên khắc vào tâm trí và không phai mờ (trở thành tiềm thức), và trẻ sẽ phải sống chung với nó và chịu chi phối của nó rất mạnh mẽ sau này.

Quyết định 1

Từ đó bà quyết định trao cho những đứa trẻ trong ngôi nhà trẻ thơ của bà 1 sự tự do mới: Trẻ được quyền làm việc với giáo cụ bao lâu tùy thích.

Hiện tượng 2

Một lần khác, 2 cô phụ trách lại đến than phiền với bà: “Thưa bà, hôm nay bọn trẻ lại làm trái quy định. Khi chúng làm việc xong với giáo cụ, chúng không gọi tôi cất mà tự ý cất giáo cụ. Chúng ta nên có biện pháp gì để chúng tuân thủ quy tắc chung đây?”

Maria hỏi: “ Chúng tự cất, nhưng có cất đúng chỗ quy định không?”

“Có thưa bà nhưng chúng tự làm chứ không đưa cho tôi”
Hôm sau bà đến quan sát và thấy bọn trẻ đúng thế thật.

Khám phá 2

Trẻ có tính trật tự cao. Trước đó người lớn cho rằng trẻ là không có trật tự. Nhưng nhờ hiện tượng này bà đã khám phá ra cái trật tự nội tại của trẻ đến từ trật tự bên ngoài môi trường.

Quyết định 2

Bà trao cho trẻ quyền tự do thứ 2: Tự do cất giáo cụ vào vị trí quy định sau khi đã làm việc xong.

Hiện tượng 3

Một thời gian sau, 2 cô phụ trách rất bức xúc khi kể với bà sự việc sau: “Hôm qua chúng tôi ra về nhưng quên không khóa cửa lớp. Lũ trẻ sáng nay đến lớp sớm, thấy cửa không khóa, chúng tự ý lẻn vào lớp và tự lấy hết giáo cụ ra làm việc. Khi chúng tôi đến thấy bọn chúng đang mỗi đứa đang làm việc với giáo cụ của mình. Bọn trẻ thật không biết thế nào là phép tắc. Tự tiện vào lớp khi giáo viên chưa có mặt, lại tự ý mở tủ lấy đồ khi chưa có sự cho phép của giáo viên, đúng là hành vi trộm cắp. Nếu chúng ta không có cách nào thì bọn trẻ sẽ hư mất!”

Bà Maria lại một lần nữa đến quan sát, lần này bà bào các cô hãy để trẻ tự lấy đồ. Bà thấy bọn trẻ có thể tự chọn giáo cụ cho mình và chúng chỉ lấy giáo cụ đã được giới thiệu.

Khám phá 3

Trẻ có khả năng tự định hướng và lựa chọn giáo cụ để hoạt động tùy theo sở thích và nhu cầu của chúng lúc đó. Không ai có thể lựa chọn đúng cho trẻ bằng chính chúng. Sự lựa chọn đó xuất phát từ nhu cầu nội tại và chỉ có trẻ mới biết chúng cần gì. Người lớn không thể định hướng thay trẻ và cũng không thể đúc khuôn trẻ.

Quyết định 3

Bà quyết định trao quyền tự do thứ 3: Trẻ được quyền tự do lựa chon giáo cụ chúng thích.

Ba hiện tượng trên dẫn đến 3 quyền tự do cơ bản cho trẻ trong Ngôi nhà Trẻ thơ của bà :

Tự do lựa chọn giáo cụ.

Tự do làm việc với giáo cụ bao lâu tùy thích.

Tự do cất giáo cụ sau khi đã thực hiện xong.

Kể từ lúc trẻ có được 3 quyền tự do cơ bản đó, bà quan sát thấy những đứa trẻ khác hẳn: Chúng hạnh phúc hơn, tự tin hơn, thoải mái hơn. Và bà thấy trẻ hạnh phúc khi được tự do và được là chính mình.

Cơ hội nhận Học bổng Khóa đào tạo Giáo viên Montessori trị giá 20 triệu đồng ==> Quý Thầy Cô vui lòng xem tại: http://goo.gl/QEaPx9

Admin: Cộng đồng GIÁO VIÊN Montessori Việt Nam.