Giáo dục sớm là gì ?

Giáo dục sớm là giáo dục nhằm bồi dưỡng tố chất qua đó giúp trẻ có sự phát triển nổi trội về cả về phẩm chất trí tuệ và phẩm chất phi trí tuệ (tính cách, ý chí, nhân cách, thói quen sinh hoạt). Giáo dục gia đình trong thời kỳ sớm giúp bé phát triển tối đa tiềm năng trí tuệ, bồi dưỡng nhân cách cao đẹp, khai mở trí thức cho bé ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển lâu dài trong suốt cuộc đời.

Về mặt khoa học thần kinh thì giáo dục sớm là quá trình giáo dục kích thích chức năng của não bộ phát triển trong thời kì sinh trưởng của não (0-6 tuổi). Cơ chế thần kinh mềm dẻo hay “tính dẻo của não” (Neuroplasticity) là một nghiên cứu đột phá trong khoa học thần kinh, qua đó chứng minh rằng não có khả năng thay đổi, cấu trúc lại hoạt động và liên kết các neuron để đáp ứng với sự tương tác của môi trường. Do vậy việc rèn luyện kích thích phát triển trí não bằng một hệ thống các bài tập được thiết kế đặc biệt nhằm tăng cường nhanh chóng các kết nối thần kinh qua đó các neuron kết nối mạnh hơn, nhanh hơn và tương tác hiệu quả hơn. Khoa học hiện đại đã chứng minh, trước 6 tuổi, đại não đã phát triển tương đối hoàn thiện và có “tính dẻo” cao nhất. Do đó, giai đoạn 0 đến 6 tuổi là cơ hội tốt nhất để xây dựng cho trẻ nền tảng phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu những hoạt động tinh thần có ảnh hưởng như thế nào tới sự sinh trưởng và phát triển của não bộ, hai Giáo sư người Thụy Điển là Hiding và Langhe đã thực nghiệm ra rút ra kết luận: “Việc học tập ngay khi còn nhỏ không chỉ có tác dụng kích thích mà còn có khả năng làm thay đổi thành phần kết cấu của não bộ, làm cho các tế bào não phát triển phức tạp hơn lên, đồng thời tăng cường số lượng phân tử RNA trong tế bào não, từ đó có thể tạo ra những tế bào não có chất lượng cao, bồi dưỡng nên những con người thông minh vượt trội”.

Mục tiêu hàng đầu của giáo dục hiện đại không còn gói gọn đơn thuần ở việc dạy trẻ những kiến thức sẵn có, mà chính là dạy trẻ kỹ năng tự học suốt đời. Trẻ có kỹ năng tự học suốt đời sẽ dễ dàng thích nghi, phát triển một cách tích cực và nổi trội trong cuộc sống sau này. Kỹ năng tự học suốt đời thể hiện ở sự đam mê học tập, tò mò, và có óc phân tích.

Khái niệm “Giáo dục sớm” rất dễ bị hiểu nhầm thành giảng dạy, truyền đạt kiến thức hay giải đáp thắc mắc của trẻ và phương pháp giáo dục sớm cũng rất dễ bị thực hành sai thành ép hay tạo áp lực cho trẻ. Hiện nay giáo dục sớm cũng hay bị đánh đồng thành dạy trẻ biết đọc sớm hay làm toán sớm trong khi bản chất chúng hoàn toàn không phải là mục tiêu mà chỉ là hệ quả của việc giáo dục sớm. Bởi vì bản chất của giáo dục sớm không phải là giáo dục theo cấp, giáo dục nghĩa vụ, giáo dục kiến thức, mà là phát triển tối đa tiềm năng của con người trong giai đoạn ban đầu bằng phương pháp giáo dục tự nhiên học mà chơi, chơi mà học một cách khoa học.

Nhiều người trong chúng ta hẳn đã quen với thuật ngữ giáo dục sớm, mục đích của phương pháp này là khơi dậy tối đa khả năng tiểm ẩn cho con trẻ trong những năm đầu đời và ở Việt Nam thì hiện tượng bé 12 tháng tuổi có thể đọc được thẻ chữ gồm 2 từ đơn hay trẻ 3 tuổi có thể nói tiến anh xuất hiện ngày càng nhiều. Không ít các bậc làm cha làm mẹ đã tìm cách giáo dục sớm cho con ngay cả khi bé chưa trong một tuổi. Tuy nhiên là có không ít người đã nghi ngại về việc áp dụng phương pháp này có khiến cho trẻ nặng nề hay là khiến trẻ mất hết tuổi thơ, trở thành những cái máy chịu áp lực theo mong muốn của bố mẹ. Một số khác thì lo ngại rằng tình trạng 1 số bé khi nhỏ như thiên tài nhưng lớn lên như trẻ bình thường và họ lý giải cho điều này là chu kỳ của con người, giai đoạn nào đi quá nhanh sẽ phải đến giai đoạn chậm lại. Có rất nhiều các ý kiến trái chiều về vấn đề giáo dục sớm cho trẻ.

Vậy giáo dục sớm là gì và có nên áp dụng các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ ?

Giáo dục sớm hay giáo dục từ sớm là phương pháp giáo dục được bố mẹ áp dụng cho con ngay từ khi mới chào đời, mục đích của phương pháp này không phải là để biến những đứa trẻ trở thành thiên tài hay thần đồng. Mục đích là để các bậc cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của việc nuôi dạy con từ sớm, từ đó biết cách nuôi dạy con để phát huy tối đa những khả năng và tố chất mà con cái của mình có, giúp con cái mình có nền tảng vững chắc về sức khỏe, trí tuệ, và nhân cách và sau này trở thành những người có ích cho xã hội

Khoa học đã chứng minh, giai đoạn từ 0-6 tuổi là giai đoạn não trẻ phát triển rất nhanh và đây là giai đoạn trẻ tiếp thu một cách tốt nhất trong suốt cuộc đời của mình. Đối với giai đoạn này trẻ mong muốn được khám phá thế giới xung quanh, trẻ muốn được học hỏi tìm tòi, đây là giai đoạn chúng ta có thể khai phá tiềm năng của trẻ. Với trẻ nhỏ không có khái niệm dễ và khó, chỉ có khái niệm thích và không thích. Cái gì trẻ thích thì được coi là dễ, và cái gì không thích thì được coi là khó. Khoảng thời gian “vàng” mà theo Glenn Doman là dưới 3 tuổi để kích thích não bộ của các bé, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trí lực sau này.

Screenshot_44

Lợi ích của việc giáo dục sớm có thể được kể đến như:
– Trẻ tự tin, linh hoạt hơn.
– Trẻ trở lên thông minh với tài năng vượt trội hơn tiềm năng vốn có.
– Trẻ thể hiện sự đam mê nhất định trong một số lĩnh vực.
– Trẻ biết yêu thương và gắn bó với gia đình, bạn bè và thế giới xung quanh.
…Còn vô vàn những lợi ích và giá trị khác mà việc giáo dục sớm mang lại cho trẻ mà chúng tôi chưa kể đến ở đây nhưng chính việc nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục sớm, giúp bố mẹ có thể chủ động tìm tòi những phương pháp khoa học để áp dụng khơi dậy tiềm năng của con mình ngay từ những giai đoạn đầu đời, giúp kích thích và phát triển não bộ và là nền tảng cho việc phát triển nhận thức trong tương lai và cả cuộc đời sau này của trẻ.

Dạy trẻ không bao giờ là sớm cả tuy nhiên phương pháp dạy trẻ như thế nào mới là điều quan trọng, quyết định thành công. Giáo dục sớm cho trẻ không phân biệt gia đình giàu nghèo mới có thể áp dụng được cho bé mà quan trong hơn hết là tình cảm của cha mẹ đối với con: Yêu Thương, Kiên Nhẫn, Trò Chuyện và Khen Ngợi. Những điều đó cha mẹ nào cũng có thể cho con cái mình, nó chỉ phụ thuộc vào cách mà cha mẹ làm mà thôi.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.