Cảnh tượng này khiến ai cũng giật mình (ảnh video clip) |
Xem clip cô giáo chui qua túi nilon để đến trường dạy cho các em, nhiều người thót tim, thương cảm và cũng cảm phục những người thầy, người cô gian nan đưa chữ về bản. Là một chuyên gia về giáo dục, Ths Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt, cũng không giấu được cảm xúc khi trao đổi với phóng viên Infonet.
Thưa chị, cũng là người làm nghề dạy học, chị có cảm giác thế nào khi xem clip này?
Tôi cũng hồi hộp, nín thở theo từng giây khi xem clip này. Tôi nhớ đến câu nói: “Cái khó ló cái khôn”, trong những hoàn cảnh khó khăn, con người thường cố gắng tìm ra giải pháp để tháo gỡ.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, giải pháp của thanh niên bản Sam Lang vượt khỏi trí tưởng tượng của bất kỳ ai, nó “sáng tạo” đến mức “nguy hiểm”.
Và, chính bởi thế, chúng ta thêm khâm phục và quý trọng tấm lòng của cô giáo trong clip nói riêng và những người thầy đang âm thầm vượt khó, ngày đêm gieo con chữ trên các bản làng xa xôi. Cái Tâm nghề, Đạo nghề của họ thực đáng để cả xã hội trân trọng.
Khi xem clip này, chị sẽ nói gì với con mình, học trò của mình?
Trong các khóa đào tạo cho giáo viên, thỉnh thoảng tôi chia sẻ vui với các bạn rằng: “Nếu muốn trở thành tỷ phú như Bill Gate, Steve Job…, bạn không nên chọn nghề giáo. Còn nếu muốn có nhiều thế hệ học trò tỷ phú, triệu phú, bạn mới nên chọn con đường này”.
Với học trò, trong cấu trúc bài giảng mà tôi và giáo viên của Viện (tôi đang công tác tại Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt), có những clip dạy cho học trò về tình yêu thương, về lòng biết ơn, về những mảnh đời bất hạnh, vượt khó…
Tôi sẽ cho học trò và 2 con gái của mình xem clip này, để cho trẻ tự phát biểu cảm nhận, tự chia sẻ cảm xúc của mình. Từ đó, định hướng cho con biết: “Các con đã rất may mắn khi được sống trong môi trường gia đình, nhà trường đủ đầy như hiện tại. Ở nhiều nơi trong và ngoài đất nước Việt Nam, còn rất nhiều những hoàn cảnh, những vất vả, gian nan và hiểm nguy khác. Bởi vậy, các con cần cố gắng học tập thật tốt, sống có đạo hiếu để đáp lại sự trông đợi của cha mẹ, thầy cô.
Ths Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt |
Chị có nghĩ, câu chuyện này sẽ tác động thế nào đến chỉ số vượt khó của các em học sinh nói riêng và chúng ta hiện nay?
Chỉ số vượt khó là khả năng vượt mọi trở ngại, trụ vững trước gian nan. Chỉ số này cần được rèn luyện và ứng dụng trong mỗi hành động, mỗi công việc của con người. Chỉ số vượt khó là kết quả của một quá trình liên tục, bền bỉ.
Bởi thế, không vì một sự việc này mà giúp giáo viên hay học sinh “tăng chỉ số vượt khó”. Nhưng, chắc chắn, nó sẽ là một “chất xúc tác” giúp mỗi thầy cô, học trò định vị lại bản thân và có quyết tâm vượt khó hơn trong sự nghiệp trồng người.
Chị có nghĩ, những người giáo viên và xã hội cần có một hành động gì đó trước những cảnh tượng thế này không?
So với ngàn trùng gian nan của giáo viên tại các bản làng, thì đội ngũ giáo viên tại các thành phố, đô thị lớn may mắn và thuận lợi hơn rất nhiều.
Trong những “bộn bề, ngổn ngang” của giáo dục Việt Nam hiện tại, giáo viên không chỉ là người vượt khó mà còn cần là người đi đầu trong công tác tự học, tự đổi mới, tự cập nhật các kiến thức, tinh hoa giáo dục – đặc biệt là tự đổi mới trong phương pháp giảng dạy. Đó là một trong những hành động thiết thực nhất góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
Cá nhân chị thấy nên làm gì để câu chuyện này không chỉ là cảm xúc nhất thời với thế hệ trẻ?
Đây là một trong rất nhiều câu chuyện xúc động, đáng trân trọng trong nghề giáo. Để các tấm gương vượt khó này không chỉ là cảm xúc nhất thời thì vai trò của truyền thông rất quan trọng.
Chúng ta đang quá “bội thực” trước các bài PR chiêu trò, các tít giật gân, câu view… mà quá hiếm hoi các bài báo, các trang tin tôn vinh, tuyên truyền cho những nghĩa cử cao đẹp, đời thường như thế.
Để lại một phản hồi