Cách hỏi trẻ em để biết có bị bạo hành hay không

Những trẻ bị bạo hành sẽ bị tổn thương rất lớn về tâm lý, trí tuệ. Nếu người lớn phát hiện sớm và có liệu pháp điều trị, thay đổi môi trường học, sử dụng các biện pháp can thiệp… trẻ sẽ dần phục hồi.

Nhưng nếu không được điều trị hoặc can thiệp không đủ, nó sẽ trở thành bệnh đeo bám và ám ảnh trẻ suốt cuộc đời còn lại. Vì thế người lớn cần có cách để sớm nhận biết trẻ có bị bạo hành hay không:

1. Buổi sáng, trước khi đưa con tới lớp, bố hoặc mẹ hãy dành 10 phút để chơi và trò chuyện cùng con (với trẻ đã biết nói). Bố mẹ hỏi con những câu như:Con ơi, mình chuẩn bị tới lớp rồi, ở lớp con thích trò chơi nào nhất? Con hay ngồi học với bạn nào? Cô giáo con yêu bạn nào nhất?…

2. Buổi chiều đón con về, bố mẹ cũng nên trò chuyện cùng con bằng “ngôn ngữ trẻ nhỏ”: Mẹ kể cho con nghe nhé, hôm nay mẹ đi làm vui lắm, ở lớp con được chơi trò gì, con kể cho mẹ nghe đi (hỏi trò chơi trước để nắm bắt cảm xúc của trẻ); Thế chiều nay lớp con ăn cháo, phở hay cơm?; Ở lớp con có bạn nào hư không?; Những bạn hư, khóc nhè thì cô giáo phạt như thế nào?;…

Bố mẹ hỏi các câu khác nhau theo cách hỏi “mé” – nghĩa là hỏi về các bạn khác chứ không hỏi thẳng “Con có bị đánh không?”. Như thế trẻ sẽ dễ “tâm sự” hơn vì có nhiều trẻ bị cô giáo đánh vì mắc lỗi nhưng cô giáo dọa nên trẻ sẽ không dám nói thật.

3. Trong quá trình nói chuyện, bố mẹ cần quan sát thái độ, cử chỉ, hành động của con (cách này cũng phù hợp với trẻ chưa biết nói), nhất là lúc giao con cho cô giáo và đón con từ tay cô. Những trẻ bị bạo hành rất dễ nhận biết qua những biểu hiện như trẻ nép và bám chặt vào cha mẹ, không dám nhìn cô giáo, òa khóc chạy ôm mẹ khi mẹ tới đón, giật mình khi đêm ngủ, tự nhiên khóc thét lên, không thích đến chỗ đông người,…

Khi thấy con có những biểu hiện đó, bố mẹ cần “tâm sự” với con nhiều hơn, khơi chuyện khéo léo hơn để trẻ nói cho bố mẹ biết thực hư. Có thể con chỉ bị phạt một lần khiến con ác cảm, có thể con đã bị đòn roi từ lâu mà cha mẹ không hay biết.

4. Bước tiếp theo, bố mẹ cần nói chuyện trực tiếp với giáo viên, nói rõ những thất thường của con và hỏi cách cô giáo trách phạt các bạn trong lớp. Trong quá trình nói chuyện, bố mẹ cần “bắt sóng” thật nhanh thái độ, cử chỉ của cô, nếu thấy có gì đó không thật, lúng túng, lấp liếm thì tốt nhất bố mẹ nên tìm cho con một trường học khác. Đồng thời cũng cần gặp trực tiếp hiệu trưởng hoặc chủ trường/người có trách nhiệm quản lý để nói rõ lý do và thực trạng của con.

Với cách nói chuyện với con như thế, bố mẹ có thể giải quyết được nghi vấn trong đầu: Con có bị bạo hành ở trường hay không. Nội dung câu hỏi không quan trọng bằng cách hỏi, thái độ vui tươi, hào hứng khi nói chuyện với trẻ.

ThS LÊ THỊ LAN ANH, nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.