1. Đẳng cấp của bạn cũng được thể hiện một phần qua TƯ THẾ NGỒI:
Trong bộ phim truyền hình “Kỷ Hiểu Lam ứng xử sắc sảo” có kể một câu chuyện: Một hôm, Hoàng đế Càn Long nổi hứng, ra lệnh cho các Đại thần ngồi lên ngai vàng để thử cảm giác làm Thiên tử, thế nhưng đa phần các vị Đại thần khi ngồi trên ghế Rồng lại xiêu vẹo, co rúm, không tỏ rõ được phong độ oai phong, uy nghi của bậc Thiên tử.
Phải chăng trong lòng họ đang bị tâm lý chủ tớ (cho dù là Đại thần vẫn là tôi tớ của nhà vua)? Phải chăng, ngay cả Đại thần cũng thiếu tự tin trước bệ rồng, mình ngọc? Như vậy để thấy rằng, chỉ riêng TƯ THẾ NGỒI thôi cũng một phần thể hiện được sự khác biệt giữa người này với người khác, thể hiện được đẳng cấp, uy phong của người A khác với người B.
2. Tư thế ngồi căn bản:
Ngồi đúng tư thế tạo cảm giác tự tin, thân thiện; đồng thời cũng thể hiện thái độ tôn trọng người đối diện, sự lịch lãm (nếu là nam giới) và thanh lịch, tinh tế (nếu là nữ giới).
– Dáng ngồi cần nhẹ nhàng, vững chãi: Khi bước vào một căn phòng, khách mời ngồi, bạn hãy nhẹ nhàng đi đến trước ghế, lưng quay về phía lưng ghế, dùng chân phải (hoặc chân trái) lùi nhẹ nửa bước sao cho bụng chân (hoặc đùi) chạm nhẹ vào mép ghế. Sau đó bạn từ từ ngồi xuống. Lúc này, hãy ngồi thật chậm rãi, đừng vừa mải nói chuyện, vừa ngồi vì sẽ khiến bạn mất tập trung, có thể ngồi hẫng hoặc ngồi phịch xuống ghế mà không biết.
Nếu bạn mặc váy, nên khéo léo, nhẹ nhàng sửa nếp váy cho phẳng, giữ váy nhẹ và ngồi xuống.
2.1 Tư thế ngồi của nữ:
– Khi ngồi, bạn nên khép hai đầu gối chân lại, ống chân thẳng và lệch chéo một góc 30 độ với thân người. Thân bạn tạo dạng thẳng: cổ – lưng – hông tạo thành một đường thẳng; vai mở. Khi ngồi như vậy nhìn dáng bạn rất đẹp theo kiểu thắt đáy lưng mong, mềm mại, không tạo bụng ngấn mỡ và ngực vươn ra phía trước.
– Hai bàn tay úng xuống, để trên đùi (gần phía đầu gối), các ngón tay khép hờ thoải mái.
– Tuyệt đối tránh việc ngồi hẫng, ngồi thụp vào ghế một cách vội vàng, hấp tấp. Trông bạn khi ấy sẽ rất khó coi, đặc biệt: mất điểm rất lớn với khách.
2.2 Tư thế ngồi của nam:
– Nam giới cũng nên giữ tác phong ngồi như vậy. Tuy nhiên, khi nam giới ngồi, hai chân có thể mở rộng nhưng không mở rộng quá vai (chứ không khép như nữ); hai chân thẳng đứng tạo thành góc vuông 90độ với mặt đất.
– Ngồi vắt chéo chân, nhưng lưu ý: mũi bàn chân không nên quá hếch lên cao, tạo cảm giác ngạo mãn, không tôn trọng khách.
3. Hướng ngồi với khách:
Bạn không nên ngồi đối diện mặt đối mặt với khách theo phương thẳng đứng. Nên ngồi chếch một góc 45 độ hoặc góc chéo 35 độ. Ở góc này, bạn và khách sẽ không bị luồng điện sinh học của người đối diện dội thẳng vào mặt. Đây cũng là tư thế ngồi được các nguyên thủ quốc gia sử dụng trong tất cả các cuộc hội đàm chính thức và phi chính thức.
Tư thế ngồi được vận dụng rất nhiều trong đời sống hiện đại như: ngồi làm việc ở văn phòng, tiếp khách ở sô-pha, ngồi khi tham gia hội họp, trong bàn đàm phán hay khi vui chơi…Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người chú ý đến lễ tiết thường luôn tạo cho mình dáng ngồi thanh thoát, ý tứ, tinh tế góp phần tạo nên phong thái, tác phong của chính họ, đồng thời thể hiện đẳng cấp và vị trí của bản thân.
Chúc bạn tự thực hành để NGỒI ĐẸP, tạo ấn tượng thân thiện, yêu mến từ người khác.
P/s: “Tri thức cho đi là tri thức sống.” Vì vậy, nếu tìm được thông tin hữu ích từ bài viết này, bạn hãy share cho người khác cùng đọc.
Hà Nội, 23/7/2014
Lê Thị Lan Anh
Để lại một phản hồi