VOV.VN – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt: “Ép buộc, nhục hình là cách phạt vô nhân đạo nhất, phi giáo dục nhất”.
Vụ việc nữ sinh một trường THCS trên địa bàn huyện Chư Sê vào siêu thị Vĩ Yên ở thị trấn Chư Sê lấy 2 quyển truyện có mệnh giá 10.000 đồng/cuốn giấu vào áo khoác sau đó bị nhân viên siêu thị lấy tờ giấy in dòng chữ “Tôi là người ăn trộm” treo trước ngực đang được dư luận quan tâm.
Đa số các ý kiến cho rằng, hành động của nhân viên siêu thị là nhẫn tâm, nhất là đối với một cháu bé mới 13 tuổi. Ý kiến luật sư cho rằng, hành vi với hành vi ăn cắp 2 triệu đồng chưa cấu thành tội phạm, trong khi cháu bé chỉ mới lấy 2 quyển truyện trị giá 20.000 đồng. Luật sư cũng cho rằng, người bắt cháu bé phải đeo biển “ăn cắp” trước ngực có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác.
ThS. Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) |
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, ăn cắp là hành động đáng lên án, đối với cả trẻ nhỏ. Với nữ sinh trong trường hợp này cũng cần có biện pháp giáo dục một cách hiệu quả.
Để có nhiều góc nhìn, VOV online phỏng vấn ThS. Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em. Hiện chị đang là chủ nhiệm dự án Nghiên cứu và Phát triển nhân tài Việt; nghiên cứu các chương trình phát triển trí thông minh, sự tự tin và kỹ năng sống cho trẻ em; đào tạo chương trình kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng nuôi dạy trẻ thành tài cho các bậc phụ huynh…
PV: Chị nhận xét về việc siêu thị bắt một cháu bé đã lấy 2 quyển sách ở đây phải đeo lên người dòng chữ: “Tôi là người ăn cắp”?
ThS. Lê Thị Lan Anh: Tôi cũng rất bất bình với hành xử vô nhân đạo, phản giáo dục khi người lớn phạt con trẻ như vậy.
Tuổi của các em còn nhỏ, giống như cây non mới lớn, những “trận cuồng phong trị liệu” đó vô tình đẩy trẻ rơi vào trạng thái “chết tâm lý lâm sàng” rất nguy hiểm.
PV: Là người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em, theo chị hành động này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đứa trẻ?
ThS. Lê Thị Lan Anh: Như tôi đã phân tích, ảnh hưởng nặng nề nhất là tâm lý trẻ rơi vào trạng thái “chết tâm lý lâm sàng”. Trẻ sẽ có cảm giác xấu hổ, tự ti, ngại giao tiếp với người lạ, nặng hơn là ám ảnh trẻ suốt cuộc đời.
Học sinh đó bị trói tay, treo biển trước ngực sẽ có bao nhiêu người đi qua nhìn, dò xét, tò mò. Không chỉ thế, hình ảnh cháu bé với dòng chữ “Tôi là người ăn cắp” phát tán đầy rẫy trên mạng. Nếu tâm lý không vững, trẻ rất có thể tìm đến cái chết. Thử nghĩ xem, chỉ vì cách phạt không đúng, người ta giết chết một sinh mạng có đáng không?
PV: Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần nghiêm khắc với những hành động xấu, như trường hợp này là ăn cắp. Vậy với lứa tuổi các cháu như vậy, nên áp dụng biện pháp gì để việc giáo dục trẻ có hiệu quả?
ThS. Lê Thị Lan Anh: Phạt trẻ là cả một nghệ thuật, làm sao để trẻ bị phạt mà không có cảm giác phạt, làm sao để trẻ thấy hối lỗi, thấy tự mình rút ra kinh nghiệm, thấy tự mình sửa sai. Ép buộc, nhục hình là cách phạt vô nhân đạo nhất, tệ hại nhất và phi giáo dục nhất.
PV: Xin cảm ơn chị./.
Để lại một phản hồi