Trẻ tiếp xúc lâu với máy tính làm não chậm phát triển

Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), đồng thời cũng là nhà nghiên cứu Giáo dục & Phát triển trí tuệ trẻ em để gửi tới bạn đọc các ý kiến từ các chuyên gia giáo dục tại Việt Nam về vấn đề giáo dục trẻ em cấp tiểu học.

“Tại Pháp, việc cho trẻ em chưa đến 3 tuổi xem ti vi là hành vi phạm pháp. Bởi cho trẻ xem ti vi quá sớm sẽ gây ra một loại các tác hại xấu cho sức khoẻ của bé, đặc biệt là gây tổn thương cho não”.
Chị đánh giá như thế nào về việc đề án Sách giáo khoa điện tử cho học sinh tiểu học tại TP.HCM?
Chỉ còn vài ngày nữa là cả nước chính thức chào đón năm học mới 2014-2015, trong khi đề án vẫn ở giai đoạn “chờ phê duyệt” để đưa vào thí điểm.
Giả sử đề án được phê duyệt chính thức – trước ngày khai giảng – tôi vẫn không thể hình dung nổi, một khối lượng công việc khổng lồ bao gồm: đào tạo bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng (bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng tại nước ngoài), đào tạo giáo viên (hình thức tập trung trong nước); đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phòng họp trực tuyến, trang thiết bị (trích từ nội dung trong đề án) sẽ được tổ chức ra sao?
Nếu làm đúng quy trình và đào tạo nghiêm túc để “ra lò” được đội ngũ giáo viên làm chủ được công nghệ, thành thục với từng bài giảng trên phần mềm, soạn được giáo án trên máy thì “Vắt chân lên cổ” cũng chẳng thể kịp. Chỉ riêng nói đến tiến độ đề án thôi – người không có chuyên môn giáo dục nghe qua đã thấy rất có vấn đề rồi.
537099_249570681866851_1936623168_n
Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV).
Còn nữa, liệu phụ huynh đã sẵn sàng về tâm lý, kinh tế để đầu tư cho con 1 máy tính bảng có cài đặt sách giáo khoa điện tử, một bút chấm đọc điện tử (từ 3 – 5 triệu đồng/máy). Giáo viên được đào tạo để dạy học trò, vậy phụ huynh có được tham gia các khóa ngắn hạn để hiểu sơ bộ về cấu trúc phần mềm, về cách kiểm tra bài tập của con, cách hướng dẫn con học ở nhà, cách kiểm soát lịch sử truy cập bài học, thời lượng truy cập?…
Mặc dù là người làm trong lĩnh vực giáo dục, thường xuyên sử dụng internet, ứng dụng công nghệ thông tin khi giảng dạy, tôi cũng rất quan ngại về tính khả thi của đề án.
Với vai trò là một người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục, chị có cho rằng đề án 4.000 tỉ đồng có nhiều không?
Đầu tư cho giáo dục – nghĩa là đầu tư phát triển con người -không bao giờ là đủ. 4000 tỉ đồng chứ gấp 100 lần con số ấy cũng xứng đáng NẾU đó là hệ thống giải pháp “giải mã” được gốc rễ các vấn đề giáo dục Việt Nam hiện nay.
Ngược lại 4.000 tỉ đồng, 400 tỉ đồng hay 4 tỉ đồng sẽ chỉ như muối bỏ bể nếu đó chỉ là bài toán “giải ngân” thay vì “giải mã” các vấn nạn giáo dục.
Chị có thấy việc học sinh tiểu học sử dụng máy tính bảng thường xuyên thay thế sách giáo khoa in là quá sớm?
Tại Pháp, việc cho trẻ em chưa đến 3 tuổi xem ti vi là hành vi phạm pháp. Bởi cho trẻ xem ti vi quá sớm sẽ gây ra một loại các tác hại xấu cho sức khoẻ của bé, đặc biệt là gây tổn thương cho não.
Xem ti vi là một hành vi tiếp thu thụ động, gây cản trở cho việc tiếp xúc với thế giới thật của trẻ, làm hạn chế khả năng tưởng tượng của bé và một loạt các yếu tố tiêu cực khác như: làm chậm quá trình phát triển của đại não, hệ thần kinh dễ bị tổn thương; Ngủ không ngon giấc, cơ thể không phát triển.
Nghiên cứu đã chứng minh, xem ti vi trong thời gian dài sẽ gây ức chế quá trình bài tiết melatonin. Nếu liên tục dừng xem tivi trong 1 tuần, nồng độ melatonin trong cơ thể bé có thể tăng lên 30%…Khi trẻ lớn hơn 3 tuổi, việc xem ti vi cũng phải được bố mẹ kiểm soát, thời gian không quá 15 đến 30 phút mỗi ngày.
Theo một nghiên cứu năm 2000 được thực hiện bởi chính phủ Hàn Quốc, 8% dân số nước này thuộc độ tuổi từ 9 đến 39 mắc phải một trong hai căn bệnh hoặc là nghiện Internet hoặc là nghiện chơi game online. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức họ đã phải cắt kết nối Internet cho đối tượng người dùng dưới 16 tuổi từ nửa đêm đến 6 giờ sáng.
Ở Việt Nam mà đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng…, hiện tượng trẻ em bị mắc các chứng “bệnh thời đại” không còn hiếm như: tự kỷ, tăng động, trầm cảm, các tật khúc xạ mắt (cận thị, loạn thị), ngại giao tiếp…
Nhiều ông bố bà mẹ dùng điện thoại thông minh, ipad để dụ “cho con ngồi yên” – mà không biết rằng, đó là cách làm rất phản khoa học. Tương tự như vậy, nếu trẻ tiểu học (nhất là trẻ lớp 1,2,3) tiếp xúc quá lâu, quá thường xuyên với máy tính bảng dễ dẫn đến nguy cơ mắc các căn “bệnh thời đại”.
Thầy cô giáo không thể quản lý được việc trẻ em tập trung học hay chơi game trên máy tính bảng.
Theo chị, đề án này có khó khăn gì khi nhân rộng và có tính khả thi hay không?
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo để người làm công tác quản lý, giáo viên hiểu về cấu trúc bộ sách, cách soạn giáo án trên phần mềm, cách hướng dẫn học sinh làm chủ công nghệ… thì khi triển khai trên diện rộng, hàng loạt vấn đề cần phải được giải quyết triệt để:
Một là: Phương pháp giảng làm sao cho hấp dẫn, lôi cuốn trẻ khiến trẻ không nhàm chán, lệ thuộc vào máy tính – vì giảng dạy thông qua giáo án điện tử (phần mềm) khác rất nhiều so với cách giảng thông thường
Hai là: Bao nhiêu % giáo viên có đủ kiến thức, kỹ năng để làm chủ hoàn toàn công nghệ khi giảng bằng phần mềm. Những giáo viên sau khi được chuyên gia của đề án đào tạo không đáp ứng được tiêu chuẩn để cấp Chứng chỉ thì có được đứng lớp không? Nếu vẫn được đứng lớp thì đó là sản phẩm chín ép, thiệt hại học trò gánh chịu. Nếu không được đứng lớp, ai sẽ là người dạy trẻ (giáo viên theo biên chế từng trường, không thể tùy tiện nhận giáo viên đào tạo cấp tập bên ngoài vào)?
Ba là: Sẽ là gánh nặng và áp lực vô cùng lớn với những giáo viên lớn tuổi, giáo viên chưa bao giờ hoặc hiếm khi sử dụng máy tính ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa
Bốn là: Quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo, chất lượng giảng dạy cũng phải thay đổi
Năm là: Trong trường hợp nhiều gia đình không đủ tiền mua sách giáo khoa điện tử, trẻ có được học bằng sách in không? Có chính sách mua máy trả chậm cho họ không?
Sáu là: Khi học sinh làm hỏng máy, máy lỗi, mất máy…, chính sách bảo trì, bảo hành như thế nào?
Đề án này để “đi vào lòng dân” chắc chắn cần một lộ trình khoa học, nhân văn, dài hơi, tuyệt đối không thể “ăn xổi”.
Cảm ơn chị.
Dạ Thảo

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.