LTS: Hàng năm, cứ đến ngày 20/11, trong bao nhiêu cung bậc cảm xúc đời thường, con luôn dành cho mình khoảng thời gian tĩnh lặng, yên bình nhất để nhớ về những người Thầy của mình. Những người đã góp các viên gạch hồng giúp con xây LÂU ĐÀI MƠ ƯỚC.
Chuỗi bài viết này, cho phép con được gửi tới các Thầy, các Cô – như một sự tri ân sâu sắc nhất! Mỗi việc con làm hôm nay, mỗi bước con đi trong cuộc đời này đều không bao giờ quên ơn sâu, nghĩa nặng của Thầy Cô!
1. ƯỚC MƠ TRỞ THÀNH NỮ LUẬT SƯ
Vốn là một cô bé ương bướng, ngang tàng, cá tính, bộc trực và “hay cãi”; hồi nhỏ, có một lần xem một phim Mỹ (giờ không nhớ được bộ phim Mỹ mà có chị Luật sư xinh đẹp đó là gì nữa), tôi bị ấn tượng mạnh bởi các Nữ Luật Sư xinh đẹp, tự tin, tháo vát và …từ đó, ấp ủ mơ ước một ngày mình sẽ là Nữ Luật Sư.
Dù chưa thực sự hiểu Luật sư sẽ làm gì, nhưng khi xem phim, tôi mường tượng ra rằng với nghề đó mình sẽ được CÃI cho công lý, CÃI cho sự công bằng, bênh vực và bảo vệ lẽ phải; được mặc bộ trang phục Luật sư rất đặc biệt – trông như những cử nhân đại học. Thế là thích, thế là bằng mọi cách muốn làm Luật sư – Ước mơ đơn giản bắt đầu như thế…
Từ đó, tôi hay tìm đọc các bài viết, câu chuyện liên quan đến những người học luật và biết được cái tên trường Harvard. Tôi thấy Luật sư ai cũng có phong thái rất tự tin, thuyết trình tốt, lập luận logic, ai cũng trông đĩnh đạc và tháo vát – nhất là phụ nữ. Vẻ đẹp tri thức ấy hấp dẫn tôi, lôi cuốn tôi và cứ ẩn hiện trong những giấc mơ.
Học xong THCS, chúng tôi phải lựa chọn phân ban cho cấp học tiếp theo. Nhóm bạn thân của tôi có 6 người thì 5 bạn chọn Ban A (Toán – Lý – Hóa), một mình tôi đi theo 1 ngã rẽ khác: Ban C (Văn – Sử – Địa). Lý do để lựa chọn Ban C có nhiều lắm: (1) Vì tôi thích những giờ học văn, thích các bài thơ hay, yêu cô giáo dạy văn của mình, (2) Vì tôi nghĩ rằng muốn thuyết trình tốt như Luật sư chắc chắn phải sử dụng ngôn ngữ giỏi, (3) Vì Trường Đại học Luật đầu vào thi Khối C và cũng bởi lý do thứ tư: Tôi học Lý, Hóa siêu tệ.
Quyết thế, tôi đăng ký thi vào Khối C của Trường THDL Đông Đô dưới sự hướng dẫn của bố (cũng là một sự khác biệt với nhóm bạn vì hồi đó trường dân lập chỉ đếm trên đầu ngón tay). Bố tôi bảo trường Đông Đô có nhiều giáo viên dạy tốt, chỉ tội học phí hơi cao, các giáo viên đều là giảng viên của các trường Đại học Sư Phạm, Đại học Ngoại ngữ sang dạy. Tôi thì còn quá nhỏ để biết đâu là trường tốt, trường không tốt, nghe lời bố nộp hồ sơ thi chỉ vì trường có khối C, cơ mà đậu thật.
Đậu là học…
2. BAN C – TRONG TÔI LÀ:
Khi học mới thấy bố đã đúng khi chọn trường cho tôi. Mặc dù cơ sở vật chất chưa thật ổn định (vì là trường dân lập mới nên hay phải di chuyển địa điểm), nhưng đội ngũ giáo viên và chất lượng mỗi giờ dạy luôn làm tôi thích thú. Trong khi các bạn đồng lứa thường xuyên phải tìm các LÒ LUYỆN THI (rất phổ biến những năm đó), tôi chỉ ung dung học theo những gì Thầy Cô dạy và chưa bao giờ mất tiền cho việc học thêm ở bất cứ LÒ LUYỆN THI nào.
Hấp dẫn nhất là các giờ văn học lãng mạn của Thầy Chu Văn Sơn: nét khoáng đạt trong phân tích tác phẩm, sự phiêu linh ở mỗi bài giảng, chất nghệ sĩ trong từng câu chữ luôn khiến 90 phút qua nhanh như chớp mắt. Tôi không bao giờ quên được mái tóc bồng bềnh, nụ cười hồn hậu, đôi mắt long lanh, sâu thẳm rất XUÂN DIỆU của Thầy, nhất là khi Thầy thổi hóa mình trong thơ Xuân Diệu:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
…
Lãng đãng, phiêu bồng, hóm hỉnh là những gì Thầy Chu Văn Sơn luôn dành cho chúng tôi trong mỗi giờ học. Tôi luôn SAY trong các tiết của Thầy!
Ở dòng văn học hiện thực, tôi lại được “biến hình” theo những phân tích rất ĐẮT, rất SẮC của Thầy Nguyễn Văn Phượng. Thầy dẫn dắt, “lôi kéo”, lột tả các tác phẩm văn học tưởng như vô cùng khô cứng giai đoạn 1930-1945 trở nên sống động một cách chân thực, gần gũi và dễ hiểu. Thỉnh thoảng, sau mỗi giờ học, rất tình cờ hai Thầy Trò cùng đi chung trên đường, qua đó, tôi biết nhà Thầy cũng ở gần nhà tôi. Thế là, tôi hay đến thăm Thầy hơn nhóm bạn cùng lớp. Tôi bị choáng ngợp trước tủ sách, sự ngăn nắp của Thầy mặc dù nhà Thầy rất giản dị. Tôi lân la mượn Thầy dăm ba cuốn sách, đọc xong đến trả, rồi lại mượn. Thầy biết tôi thích sách nên thường chỉ cho tôi các cuốn sách cần mua, các dòng sách nên đọc, địa chỉ mua sách giảm giá, sách cũ… Với tôi, Thầy thân thiết như một người anh, tận tâm như cha và gần gũi như bạn. Chính Thầy đã khai mở cho tôi khát vọng chinh phục cánh cổng đại học, chính Thầy đã hun đúc cho tôi ý chí bằng mọi cách phải đạt được ước mơ của mình. Có lần trên đường đi học về, hai Thầy Trò thong dong đạp xe trên phố, Thầy nói: “Lan Anh ạ, trong số các bạn ở lớp, em là người có nhiều tiềm năng. Em hãy cố gắng đọc thêm nhiều sách, cố gắng học tập để vào đại học nhé. Vào được đại học, cánh cửa cuộc đời sẽ mở rộng hơn với em”.
Cô bé mười mấy tuổi ngày ấy nghe Thầy nói vậy chỉ hiểu một cách non nớt rằng: Vào Đại học sẽ rất tốt, chứ không hề mường tượng được gì thêm sau đó. Thầy cũng biết tôi thích làm Luật sư nên rất kỹ càng sửa tôi từng chữ, rất khắt khe khi chấm điểm từng bài. Có lần, Thầy trả bài kiểm tra, đọc bài của tôi trước lớp và khen tôi phân tích tốt. Đến khi xem điểm, tôi chỉ được 7,5, trong khi có một bạn khác được 8. Tôi có một sự buồn không hề nhẹ, cảm thấy “bất bình”, với bản tính bộc trực, tôi mang bài lên hỏi Thầy “Thưa Thầy, bài này của em còn chỗ nào chưa tốt mà Thầy chỉ cho em 7,5 điểm, trong khi bài bạn G lại được 8”. Thầy mỉm cười và bảo “Thầy có lý do, Thầy sẽ nói cho em sau”.
Mấy ngày sau đó tôi đến nhà Thầy nhưng Thầy cũng không đả động gì đến chuyện đó (dù trong lòng tôi rất muốn có câu trả lời thỏa đáng). Thời gian qua đi, tôi bất ngờ khi nhận được lý giải của Thầy…
Để lại một phản hồi