Từ khi bắt duyên với ngành Xã hội học là bén với cái mệnh lênh đênh: nay đây, mai đó. Những chuyến đi cứ nối dài, nối dài mãi…
Nghề Xã hội học như Thuc Nguyen Van từng viết: Card nhà nghỉ trong ví nhiều hơn cả tiền.
Hay với các đồng sự khác của tôi như: Loan NguyenNgoc YenNguyễn Thanh Phương O la Vuon từng dấn thân, nếm trải chuỗi ngày sống với người dân bản xứ hàng tuần, hàng tháng trời. Nông thôn hay thành thị thì quá đơn giản, có những chuyến công tác phải “ăn, nằm, ngủ” ngay tại nhà dân, cùng đồng cam cộng khổ với họ suốt chặng đường công tác. Các dự án can thiệp, hỗ trợ cộng đồng khó khăn thì nơi cán bộ nghiên cứu, điều tra thực địa đến thường rất hẻo lánh, xa xôi. Để tới được những bản vắng, họ phải di chuyển bằng mọi phương tiện: “lên voi” với máy bay, xe khách, tàu hỏa; “xuống ruộng” với xe ôm, xe đạp, thuyền nhỏ…cho đến việc phải tự chạy xe honda, đi bộ, leo núi hàng chục km để tới bản.
Mười mấy năm gắn bó với chuỗi nghề: Xã hội học, nghiên cứu, đào tạo…; tôi nếm trải không ít chuyến đi kéo dài ít thì dăm ba ngày, nhiều thì 2 tuần, 3 tuần hoặc hơn thế; cũng đã từng băng rừng, lội suối; đi mọi loại phương tiện, đến mọi vùng địa hình…Nếu bạn hỏi tôi có chán không, có nản không. Tôi thẳng thắn trả lời rằng có. Nhiều khoảnh khắc mệt mỏi, thối trí, rã rời đến mức muốn buông xuôi. Nhưng, khi trực tiếp chứng kiến những người dân bản địa vất vả lo toan với cơm áo gạo tiền, vật lộn với cuộc sống mưu sinh, tiết kiệm từng đồng lẻ cho vào hũ lợn, ngóng chờ từng giờ đào tạo ít ỏi của chuyên gia…tôi lại có thêm động lực cho mình để bước tiếp.
Chẳng bao giờ quên được tuần đầu tiên bước chân vào TaDRI, được Thầy và Phó Viện trưởng Mercury Back giao cho làm Trưởng nhóm điều tra xã hội học tại một xã nghèo của Nam Định. Lúc ấy, tôi chỉ là một cô bé, năng nổ với hoạt động đoàn đội, sẵn sàng chinh chiến trên mọi mặt trận, nhưng còn thiếu kinh nghiệm với nghề. “Được” giao nhiệm vụ là một vinh dự lớn, bởi “gánh” trên vai mọi công tác tổ chức: trước – trong và sau chuyến đi cho cả đoàn.
Chuẩn bị mọi giấy tời, tài liệu, thực phẩm (tối giản), kịch bản chi tiết tới từng giờ, các đối tác cần gặp, số điện thoại, địa điểm… Tới nơi vừa làm tổ chức, vừa phỏng vấn, vừa hướng dẫn, vừa sắp xếp nhân sự, vừa lo từng bữa ăn, nơi ở, nước uống cho anh em…
Kết thúc ngày làm việc, trong khi cả đoàn có thể nghỉ ngơi, thư giãn thì với vai trò trưởng nhóm – tôi còn phải làm báo cáo tổng kết công việc trong ngày (dù cơ quan không bắt buộc, tự mình thấy phải làm), chuẩn bị đồ dùng, trang thiết bị, tài liệu cho buổi sau…Đi ngủ sớm thì 12h, muộn thì 1 -2 giờ sáng; bình minh cũng sớm hơn cả đội ít nhất 30 phút để tiếp tục một ngày mới.
Cho đến những chuỗi ngày rong ruổi khắp miền Trung trên một chiếc xe dã chiến do chính Thầy tôi lái. Thầy đi công tác với vai trò của một chuyên gia cao cấp, nhưng lại lái xe suốt chặng đường dài, tới nơi là làm việc không ngừng nghỉ, rồi lại lái xe cho cả đoàn về khách sạn. Cả ngày như thế, cả 15 ngày như thế. Nhìn Thầy căng tay, căng mắt lái xe, tôi đã nói: “Sau này con sẽ học lái xe để lái đỡ Thầy”. Nghĩ thương Thầy cực nhọc mà cả đoàn chẳng có ai thay thế việc vận vô lăng. Thương Thầy, trong suốt chặng đường đi, tôi ngồi ghế phụ nói chuyện, phụ nhìn biển chỉ dẫn bên đường, thỉnh thoảng thay đĩa ca nhạc, tiếp nước cho Thầy đỡ buồn ngủ.
Khi biết lái xe thật, tôi lại chuyển công tác và ít có cơ hội lái xe đỡ Thầy nữa. Thỉnh thoảng đến chơi, tôi đưa Thầy đi uống cafe gần nhà, Thầy nhìn tôi lái xe và bảo: Phong cách lái xe gấu quá. Tôi đáp: Vì con là học trò của Thầy mà. Hai Thầy Trò lại cười nói vui vẻ bên nhau.
Bây giờ, khi không gắn với nghiệp Xã hội học nữa, tôi vẫn bện duyên với cái sự hay đi. Ai cũng bảo tôi giống cu ly, ngẫm lại thấy mình cũng giống thật. Cu ly đích thực vì chẳng nhớ nổi mình đã từng lái xe bao nhiêu km xuyên tỉnh, cũng chẳng nhớ mình đã đến bao nhiêu vùng đất. Chắc tôi cũng đã bỏ cuộc nếu bên mình không có những người anh em luôn đồng hành tác chiến: Hương Nguyễn IedvNguyễn Hương Iedv Tuyền Đặng…,trên mọi mặt trận. Kỷ niệm, sự trưởng thành sau mỗi chuyến đi – vì vậy cứ nối dài, nối dài mãi.
Chỉ có điều, chẳng biết bao giờ mới hết phận Cu ly…!!!
Hà Nội, 27/7/2014
Để lại một phản hồi