Test 8 loại hình thông minh – Trường Amsterdam có đang thách đố thí sinh?

Trường Hà Nội Amsterdam (Ams) đề xuất phương án sàng lọc học sinh vào lớp 6 thông qua bài test dạng IQ, EQ để kiểm tra năng lực tư duy. Theo lời phát biểu của Hiệu trưởng nhà trường trên VTV1 thì bài test được xây dựng nhằm kiểm tra năng lực học sinh theo 8 loại hình thông minh. Điều này đã gây ra tâm lý lo lắng của không ít phụ huynh. Bằng bài viết này, tôi xin chia sẻ sâu hơn về Thuyết đa trí thông minh và 8 loại hình thông minh mà Trường Ams đã đề cập.
Thuyết đa trí thông minh (hay đa trí tuệ) được nghiên cứu bởi Giáo sư chuyên ngành tâm lý học Howard Gardner (Đại học Harvard, Mỹ) từ những năm 1980. Thông qua kết quả nghiên cứu của mình, Howard Gardner khẳng định: mỗi con người có 8 hoặc hơn 8 loại hình thông minh. Trí thông minh (intelligence) được ông cho là “khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm mà các giải pháp hay sản phẩm này có giá trị trong một hay nhiều môi trường văn hóa”.

logo

1. Trí thông minh ngôn ngữ:

Đây là loại hình thông minh phổ quát nhất trong đa số công dân toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ thông minh của mỗi người khác nhau. Trung bình người bình thường sử dụng khoảng 5000 từ trong giao tiếp; với một số ngành nghề đặc thù, để xuất sắc, họ phải đọc, viết, nói rất nhiều – thì vùng trí thông minh ngôn ngữ của họ được kích hoạt và khai mở tốt hơn. Howard Garder cho rằng, một số ngành nghề mà để trở nên xuất sắc, họ phải có trí thông minh ngôn ngữ vượt trội: các nhà văn, nhà thơ, người viết kịch bản diễn giả, dẫn chương trình, luật sư…

Ví dụ: với “Truyện Kiều” tác phẩm thơ có một không hai – Nguyễn Du đã không chỉ tạc tên mình vào lịch sử Thi ca Việt Nam, nổi tiếng trên thế giới – ông còn là hiện thân của trí thông minh ngôn ngữ xuất chúng.
2. Trí thông minh Logic – toán

Cùng với trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh Logic – Toán là 2 trong số nhiều năng lực tư duy được coi trọng nhất từ trước tới nay. Trong giáo dục Việt Nam, điều này thể hiện qua 2 môn Tiếng Việt, Toán vốn chiếm thời lượng tiết học lớn so với các môn học còn lại.

Mức độ căn bản của trí thông minh Logic – Toán đa số chúng ta dễ dàng tiếp cận.

Song, để đạt mức độ cao thì thật không dễ dàng. Howard Garder định nghĩa năng lực toán học như là “sự nhạy cảm, khả năng nhận thức được tính logic của các mô hình số học và năng lực xử lý chuỗi các lập luận” (1). Đồng thời, tư duy toán học là loại hình tư duy trừu tượng đặc trưng cho các nhà khoa học và toán học trình độ cao, rất khó định nghĩa bời vì có rất ít hình thái về nó.
3. Trí thông minh vận động:

Trong tâm lý học vẫn thường phân ra 2 loại vận động căn bản: vận động tinh và vận động thô. Vận động trong thuyết đa trí thông minh đươc cho là: khả năng sử dụng cơ thể hoặc một phần cơ thể để giải quyết một vấn đề nào đó, bao gồm cả khả năng của trí não điều khiển các hoạt động đó.

Một số lĩnh vực đòi hỏi năng lực vận động chuyên sâu như: diễn viên xiếc, khiêu vũ, ảo thuật, yoga, múa, bơi…
4. Trí thông minh âm nhạc

Trí thông minh âm nhạc được thể hiện thông qua khả năng cảm thụ âm nhạc bằng các giác quan; khả năng sử dụng các loại nhạc cụ; khả năng sáng tác, trình diễn, hòa âm phối khí…Trí thông minh âm nhạc có trong tiềm thức của bất kỳ cá nhân nào, miễn là ngươi đó có khả năng nghe tốt; ở mức độ căn bản là khả năng hát theo giai điệu, thư giãn bằng âm nhạc, hòa vào cảm xúc, giai điệu của bài hát.
5. Trí thông minh giao tiếp, hướng ngoại (tương tác cá nhân):

Một người có khả năng thích ứng với xã hội tốt (thích nghi với hoàn cảnh mới, môi trường lạ, thích ứng với những đổi thay…), khả năng nhạy cảm, tinh tế trong giao tiếp; có sức lôi cuốn, hấp dẫn người đối diện; khả năng nắm bắt suy nghĩ của người khác và sử dụng khả năng đó trong giao tiếp hiệu quả – được coi là người có trí thông minh tương tác cá nhân.

Một số ngành nghề đòi hỏi cao trí thông minh giao tiếp, hướng ngoại như: chính trị gia, các nhà ngoại giao, tư vấn tâm lý, giáo viên, diễn giả…; trong kinh doanh hiện nay, những người làm quan hệ công chúng (PR), tiếp thị -quảng bá, truyền thông cũng cần năng lực tương tác cá nhân tốt.
6. Trí thông minh không gian/thị giác
Điểm cốt lõi của trí thông minh không gian là khả năng lĩnh hội chính xác thế giới không gian thị giác và khả năng chuyển đổi sự cảm nhận ban đầu về không gian của một người.

Đây là loại hình thông minh của kiến trúc sư, nhà phát minh, thợ máy, kỹ sư, người vẽ bản đồ địa chính. Người có trí thông minh này có khả năng mô phỏng, chuyên đổi, tái tạo những góc độ khác nhau trong không gian thành hình ảnh, bản vẽ, tác phẩm điêu khắc, công trình xây dựng hoặc bằng cách trừu tượng là xoay tròn hay biến đổi những hình ảnh đó trong tư duy, trong suy nghĩ của họ.
7. Trí thông minh nội tâm (hướng nội):

Là những người có khả năng hiểu rõ về bản thân, sống nội tâm, tình cảm; có khả năng chiêm nghiệm mọi cảm giác một cách sâu sắ;, năng lực quyết đoán, khả năng tự tôn và làm chủ cảm xúc cá nhân. Những người có trí thông minh nội tâm thường có khả năng thấu hiểu, biết cách chia sẻ cảm xúc, tình cảm của người khác.

Những nghiên cứu về các loại hình trí thông minh của Howard Garder vẫn đang được tiếp nối. Kết luận về việc có 8, 9 hay nhiều hơn các loại hình thông minh đến nay vẫn đề ngỏ. Năm 1996, ông cùng đồng nghiệp bổ sung 2 loại hình thông minh khác:
8. Trí thông minh thiên nhiên:

Là người có khả năng đặc biệt về việc nhận dạng và phân loại các chủng loại thực vật, động vật khác nhau; là người thích hòa mình vào thiên nhiên, sống giữa thiên nhiên, yêu động vật… Họ có thể là người làm vườn, bác sĩ thú y, nhà thám hiểm…
9. Trí thông minh hiện sinh

Trong nghiên cứu mới nhắt của mình, Howard Garder đã đề cập đến khả năng xuất hiện loại hình thông minh thứ chín: trí thông minh hiện sinh. Ông định nghĩa khả năng của trí thông minh hiện sinh gồm 2 phần:

– Xác định bản thân với thầm xa nhất của vũ trụ – nơi tận cùng, vô tận.

– Xác định bản thân với những tính năng hiện hữu nhất của điều kiện con người: tầm quan trọng của cuộc sống, ý nghĩa của cái chết, số mệnh cuối cùng của thế giới vật chất, tinh thần, những trải nghiệm sâu sắc như là tình yêu của con người hoặc niềm đam mê nghệ thuật.

Howard Garder cũng cho rằng, những người có trí thông minh hiện sinh có thể là nhà thần học, mục sư, giáo sĩ, pháp sư, linh mục, nhà sư…; một số nhà khoa học, nghệ sĩ cũng có những biểu hiện của trí thông minh hiện sinh.

Trong mỗi cá nhân đều tiềm ẩn các loại hình trí thông minh trên, để chuyển từ trạng thái khả năng tiềm ẩn sang dạng hiển lộ cần có thời gian và lộ trình cụ thể. Mặt khác, toàn bộ nội dung của 8 loại hình thông minh được thể hiện trong 1 bài test dạng IQ (lưu ý, đây là 1 dạng bài test, chứ không phải nội dung chỉ test IQ) – 1 dạng bài test mà học sinh ít được tiếp xúc trước đó – liệu có phải quá thách thức học trò?

ThS. Lê Thị Lan Anh

Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt

Nhà nghiên cứu giáo dục & phát triển trí tuệ trẻ em.

Bài 2: Test 8 loại hình thông minh, lộ trình nào cho thí sinh thi vào Ams?

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.