Học trước lớp 1: Chú trọng học chữ hay kỹ năng sống

Nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em, thạc sĩ Lê Thị Lan Anh, cho rằng với trẻ tiền tiểu học, việc được trang bị các nhóm kỹ năng sống quan trọng hơn cả việc cho con đi học viết chữ bên ngoài.

Thực trạng băn khoăn của phụ huynh khi con sắp vào lớp 1

– Cô ơi, con em sắp vào lớp 1 rồi, em lo lắm, chỉ sợ cháu không theo được. Nên làm thế nào hả cô? Cô ơi, nếu học trước khi vào lớp 1 thì nên học gì: Học chữ hay học kỹ năng?

– Tôi dự định cho con vào trường chọn này, trường điểm kia. Mấy trường đó mà không học trước thì chớ mơ có “vé” vào. Vậy, tôi nên bắt đầu từ đâu?

– Ôi, có gì mà phải học, cho tụi nhỏ chơi thoải mái, ngày xưa mình có học gì đâu mà vẫn… như này đó thôi.

Đó là ba trong số nhiều luồng tư tưởng của phụ huynh về việc nên hay không nên cho con học trước vào lớp 1. Nhóm quan điểm thứ nhất lo lắng khả năng hội nhập của con trong môi trường mới; nhóm quan điểm thứ hai học đơn giản chỉ để thi vào trường điểm và nhóm quan điểm thứ ba chẳng cần học gì. Nhưng, tựu chung tại, đa số phụ huynh băn khoăn về độ vênh giữa chương trình, kiến thức của mầm non với tiểu học; độ vênh về môi trường, phương pháp học giữa 2 cấp.

tre-hoc-truoc-lop-1-7789-1428140636.jpg

Do băn khoăn về độ vênh giữa chương trình, kiến thức, môi trường, phương pháp học giữa mầm non và tiểu học, nhiều phụ huynh sốt sắng tìm lớp học thêm cho con. Ảnh: Nguyễn Loan.

Học trước là gì?

Học trước ở đây bao gồm nhiều cách hiểu, từ suy nghĩ sẽ dẫn tới hành động. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi phân tích quan điểm học trước dựa trên yếu tố:

Thứ nhất, học trước không cứng nhắc, bó hẹp trong quan niệm chỉ học chữ, học số, tập đọc, ghép vần một cách khô cứng.

Thứ hai, học trước bao gồm sự chuẩn bị tâm lý, kỹ năng học tập, sinh hoạt, phương pháp học phù hợp với cấp tiểu học, đây mới là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc có hay không nên học trước.

Học như thế nào?

1. Phương pháp học chữ, học toán dễ áp dụng:

Đây là hai môn được học với thời lượng nhiều nhất khi trẻ bước vào lớp 1. Học chữ nhiều là đương nhiên, vì trước khi tự tìm hiểu bất kỳ môn học nào, trẻ cần làm chủ cách đọc như một công cụ để mở ra kho tàng tri thức đó. Thế nhưng không cần nhất thiết đợi khi sắp vào lớp 1, chúng ta mới nháo nhào lo tìm lớp, tìm thầy cho con mà ngay từ khi 3 đến 4 tuổi, bố mẹ đã có thể cho con làm quen với các con chữ, thông qua các cách đơn giản sau:

– Làm quen với con chữ trong bảng chữ cái: Mua cho con 3-4 bộ bảng chữ cái các loại:

+ Một bộ bằng giấy có đầy đủ chữ hoa, chữ thường dán trên góc riêng của con. Hàng ngày bố mẹ có thể hướng dẫn bé từng con chữ, bé nhìn nhiều thành quen mặt chữ một cách tự nhiên, không gò ép.

+ Một bộ bảng chữ cái có hình ảnh minh họa: Với bộ bảng chữ cái này, bố mẹ chỉ dạy cho bé chữ kèm với hình minh họa, ví dụ chữ A có minh họa cái ca – từng bước hình thành khái niệm giữa từ, âm và tiếng.

+ Một bộ chữ rời bằng nhựa hoặc bằng gỗ có bán rất nhiều: bộ chữ này để bé chơi trò chơi và học chữ. Ví dụ, bố mẹ bày bộ bảng chữ cái ra, mỗi ngày hướng dẫn bé 3 -5 chữ rồi “bán hàng” các chữ đã học. “Bin ơi, bán cho mẹ chữ a. Mẹ bán cho Bin chữ b này, chữ b 2 đồng nhé. Bin ơi chữ c đâu, mẹ muốn mua chữ c”…

Trong quá trình hướng dẫn trẻ làm quen với con chữ, bố mẹ cần giữ tâm lý thoải mái nhất, vui vẻ nhất để trẻ chơi. Nên nhớ, khi thích thú là lúc trẻ tiếp thu tốt nhất. Kiên nhẫn như vậy hàng ngày, mỗi ngày 15-20 phút, bé của bạn dễ dàng thuộc lòng bảng chữ cái một cách đơn giản. Với cách này, chúng tôi từng áp dụng với trẻ mầm non, những bé chưa đến 2 tuổi đã có thể nhớ hết mặt chữ cái, chữ số, chỉ ngẫu nhiên chữ nào, số nào bé cũng có thể học được.

+ Một bộ thẻ chữ bằng giấy in màu trên bìa cứng. Bộ chữ này giúp trẻ chơi trò ghép chữ thành tiếng có nghĩa. Ví dụ chữ b ghép với chữ a thành chữ ba. Lần lượt ta giúp trẻ chơi với các con chữ từ đơn giản đến phức tạp, từ chữ đơn đến chữ ghép. Lưu ý: Khi chơi những trò này bố mẹ cần kiên nhẫn đồng hành cùng con, phương pháp chơi ghép chữ, học chữ cũng không khác nhiều khi bé chơi ghép hình – chơi trong sự hứng thú, tâm lý thoải mái là bé thích nhất.

– Tăng vốn từ vựng:

Trong giao tiếp thông thường, mỗi người chúng ta bình quân sử dụng khoảng 5.000 từ. Với trẻ nhỏ, vốn từ vựng cũng tăng dần lên phụ thuộc vào việc người lớn trang bị cho bé được bao nhiêu. Một cách không quá khó để con có thể tăng vốn từ vựng tự nhiên nhất, đó là hàng ngày bố mẹ đọc truyện cho con nghe vào buổi tối, khi rảnh rỗi hoặc trước khi đi ngủ. Cách đọc sao cho hấp dẫn, ngắt nghỉ câu đúng đoạn, ngôn từ hòa mình vào cảm xúc của nhân vật. Câu văn vui thì đọc vui, câu văn buồn đọc trầm giọng (nôm na là đọc diễn cảm).

Con trẻ có thể chưa hiểu hết ngữ cảnh, lời thoại, nhưng vốn ngôn ngữ, cảm xúc đó được trẻ tiếp thu rất tự nhiên. Trong quá trình đọc, chúng ta giải thích thêm cho trẻ hiểu những tình huống khó, đặt câu hỏi gợi ý để hiểu trẻ đang nghĩ gì về từng nhân vật, đồng thời cho trẻ được nói, được thể hiện chính kiến. Sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, ứng biến bằng ngôn ngữ tốt cũng là một trong các yếu tố đánh giá trẻ đó có thông minh hay không.

– Làm quen với việc cầm bút, tô nét, tô chữ căn bản:

Khi bé được 5 tuổi (mẫu giáo lớn), ở trường mầm non cũng đã cho bé làm quen với các nét căn bản, tô chữ đơn giản, cách cầm bút, tư thế ngồi… Khi đã được hướng dẫn ở lớp, về nhà bố mẹ hỗ trợ thêm, bé sẽ tự tin hơn nhiều, khả năng làm chủ ngòi bút, tư thế viết cũng dần tốt hơn. Bố mẹ cũng có thể mua các cuốn vở tập tô đơn giản dành cho trẻ mẫu giáo lớn cho bé (bán rất nhiều trên thị trường, nếu không biết có thể hỏi giáo viên ở trường), mỗi tối hướng dẫn bé cùng chơi, cũng tô chữ mỗi ngày từ 10-15 phút, sau đó tăng dần lên.

Trong quá trình bé tô nét, tô chữ, tô số, bố mẹ một lần nữa nhắc lại cho bé nhớ tên các chữ, số, nét đã học. Các kiến thức khác: tập đọc, ghép vần, đọc trơn… theo luật là nhiệm vụ của trường tiểu học. Ngay cả với các trường điểm, trường tuyển phải thi đầu vào thì cũng không có quy định bắt buộc nào là trẻ phải biết đọc cả. Một số nội dung khó hơn là kiểm tra tiếng Anh, các dạng bài IQ, bài tập quy luật. Những kiến thức này thường chỉ trường tư thục chất lượng cao, trường quốc tế mới dạy nhiều. Với những trường chưa hề dạy tiếng Anh, bài IQ… thì nếu bé muốn thi vào các trường tiểu học điểm, cũng nên cho bé làm quen trước.

Tương tự với cách học chữ, phụ huynh có thể áp dụng để hướng dẫn con làm quen với toán từ đơn giản đến phức tạp.

2. Học chữ, học số theo phương pháp giáo dục sớm:

Hiện nay, một số phụ huynh vẫn quan niệm học ở trường mầm non là đủ, vì thế khi sắp vào lớp 1, thấy con thiếu hành trang mới lo lắng, sốt sắng tìm thầy, tìm trường để học thêm. Kinh nghiệm cho thấy, nếu bố mẹ đồng hành cùng con, giúp con học thông qua chơi từ nhỏ, chúng ta sẽ không phải quá bận tâm đến các lớp học thêm cấp tốc, ngắn hạn. Tất cả lớp ngắn hạn, cấp tốc chỉ là giải pháp tình thế, đôi khi phản tác dụng với con trẻ, nếu phương pháp áp dụng trong đó không phù hợp, học nhồi nhét, học “lấy được”.

Bên cạnh việc dạy chữ, số theo phương pháp giáo dục truyền thống, cụm từ “giáo dục sớm” đã ngày càng phổ biến và được nhiều phụ huynh săn lùng tài liệu tìm đọc, săn lùng trường cho con học. Giáo dục sớm đã là phương pháp được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn, ứng dụng như Mỹ, Nhật, Italy, Phần Lan, Pháp, Canada… Tại Việt Nam, khoảng 4-5 năm trở lại đây, giáo dục sớm cũng đã từng bước đến với cộng đồng, đặc biệt tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… Phụ huynh tìm đến giáo dục sớm bởi phương pháp giảng dạy rất phù hợp với trẻ nhỏ, khai mở và kích hoạt tối đa khả năng tiềm ẩn trong tư duy con trẻ một cách tự nhiên nhất, không cưỡng bức, không ép buộc, không nhồi nhét.

Một trong những thành quả khác biệt đơn giản nhất giữa trường giáo dục sớm và trường truyền thống là khả năng nhận biết chữ, số của học trò giáo dục sớm là 1,5 đến 3 tuổi, trong khi trường truyền thống là 4,5-5,5 tuổi. Trẻ được đào tạo theo phương pháp giáo dục sớm tự tin hơn, vốn từ vựng, hiểu biết về thế giới xung quanh, khả năng phân tích, chủ động trong tư duy, kỹ năng tự phục vụ bản thân tốt hơn. Cốt lõi của thành quả khác biệt giữa 2 nhóm trẻ nằm ở phương pháp giảng dạy, cách truyền đạt kiến thức, kỹ năng.

Những kỹ năng gì trẻ tiền tiểu học cần?

– Nhóm kỹ năng tự phục vụ bản thân:

Những kỹ năng tưởng như rất đơn giản, thế nhưng ở bậc mầm non, đặc biệt trẻ ở các thành phố lớn, rất nhiều trẻ “bị tước quyền” tự phục vụ. Con khó có cơ hội được tự làm, có thể tự làm khi bố mẹ, ông bà, cô giáo “làm hộ” hết rồi.

Nhóm kỹ năng tự phục vụ gồm: tự ăn uống; tự mặc quần áo, đi giày dép; tự sắp xếp đồ dùng cá nhân: sách vở, đồ dùng học tập; tự biết đi vệ sinh; tự gấp quần áo, chăn màn khi ngủ dậy; tự học bài…

– Nhóm kỹ năng giao tiếp, bày tỏ quan điểm, diễn đạt ý tưởng, thói quen cảm ơn, xin lỗi, chia sẻ…

– Nhóm kỹ năng xử lý tình huống khi gặp trở ngại bất ngờ: bị chảy máu, bị ngã xử lý sơ giản thế nào; bị bạn đánh mách cô ra sao, chẳng may đi lạc thì làm thế nào…

– Làm quen với người lạ, thích nghi trong môi trường mới: Trong trường hợp này, bố mẹ có thể cho con làm quen với trường mới bằng cách đưa bé đến trường tiểu học chơi vào cuối giờ trong ngày, giới thiệu cho con không gian trường mới, lớp mới; nói cho con nghe, đây là ngôi trường mà sắp tới con sẽ học; giải thích cho con những khác biệt giữa trường mầm non và tiểu học…

Nếu cho con học thêm bất kỳ nội dung nào ở bên ngoài, cần chọn đơn vị có phương pháp giảng dạy tốt, đội ngũ giáo viên được đào tạo kỹ lưỡng (tối nhất nên dự một tiết học để cảm nhận khi bạn chưa hề biết đến đơn vị đó).

Nên trang bị gì cho con trước khi vào lớp 1?

Khoảng cách về chương trình học, phương pháp học, thời gian biểu giữa bậc mầm non và tiểu học của chúng ta khá xa nhau. Đó là lý do rất nhiều trẻ mầm non bị sốc tâm lý, rất khó thích nghi trong học kỳ đầu, thậm chí là cả năm lớp 1 vì chưa thể thích nghi ngay được. Giải pháp tối ưu nhất vẫn là được bố mẹ đồng hành hướng dẫn con từ nhỏ. Không nên trông đợi vào một vài khóa học bên ngoài trước khi vào lớp 1 có thể hô biến con trẻ. Kết quả giáo dục phải là cả một quá trình công phu.

Quan điểm để trẻ phát triển tự nhiên không có gì sai, nhưng cũng không nên tự nhiên quá. Một em bé không được uốn nắn, hướng dẫn kỹ lưỡng thì khả năng thích nghi, học hỏi, tự vệ trong môi trường lạ rất hạn chế.

Vì vậy, trước khi vào lớp 1, trẻ cần là được trang bị các nhóm kỹ năng sống như phân tích ở mục 3 và 4 quan trọng hơn cả việc nháo nhào con đi học chữ, tập đọc bên ngoài. Vội vã ắt hỏng việc lớn, giáo dục không thể cấp tập. Gốc rễ của dạy mầm non bắt nguồn từ gia đình, bố mẹ chứ không phải ai khác, chính là người thầy đầu tiên, quan trọng nhất tạo nên thành công của trẻ.

ThS. Lê Thị Lan Anh
Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt
Theo VnExpress – http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-truoc-lop-1-chu-trong-hoc-chu-hay-ky-nang-song-3177750.html

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.