Người thầy cần khuyến khích học sinh mạnh dạn tranh luận, thể hiện suy nghĩ độc lập. Ảnh: Người lao động
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, “học sinh đánh giá giáo viên” là một nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Liệu điều này có tạo ra những áp lực tích cực cho thầy cô giáo không, hay lại đi theo một lối mòn là đánh giá nể nang, thiếu thực chất? Làm thế nào để chủ trương này thực sự có hiệu quả chiều sâu?
Ở nhiều nước trên thế giới, việc học sinh, sinh viên đánh giá tư cách, năng lực giảng dạy, quản lý giáo dục của giáo viên là hết sức bình thường. Còn ở ta, nhiều trường phổ thông, cao đẳng, đại học cũng đã tiến hành tổ chức lấy ý kiến của học sinh, sinh viên. Qua đây, Ban Giám hiệu, lãnh đạo nhà trường có thêm kênh thông tin, đánh giá đội ngũ giáo viên giảng dạy và có biện pháp điều chỉnh, tác động tới phương pháp dạy học, ứng xử của người dạy học theo hướng tốt hơn.
Ví dụ điển hình là trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội) đã thực hiện phát phiếu cho học sinh đánh giá giáo viên 2 lần/năm. TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội – cho biết, lúc đầu, các giáo viên bày tỏ thắc mắc về việc nhà trường cho học sinh đánh giá họ. Nhưng nhà trường không xử lý giáo viên, mà chỉ muốn các thầy cô soi lại mình. Những người được học sinh khen ngợi thì nhà trường có phần thưởng. Những ai chưa nhận được số phiếu học sinh tán thành cao thì điều chỉnh để thầy trò thân thiện hơn.
TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích thêm:
“Lấy ý kiến học sinh đánh giá giáo viên là để xem cách dạy của các thầy có phù hợp với mong muốn của học sinh hay không? Chứ không phải là đánh giá trình độ, năng lực của thầy. Trong quá trình dạy học, người ta luôn quan tâm đến phản hồi của đối tượng mình phục vụ. Do đó, lấy ý kiến của học sinh về đánh giá giáo viên là thể hiện sự dân chủ, thể hiện mong muốn của chúng ta xem thầy cô đã quan tâm, sát với học sinh chưa, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của học sinh chưa? Tôi cho đó là nguyện vọng chính đáng”.
Đồng tình với quan điểm này, ThS. Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) – cho rằng, việc cho học sinh, sinh viên được được bày tò quan điểm, đóng góp một cách chân thành, mang tính xây dựng vào quá trình dạy và học là cần thiết. Tuy nhiên, với nền giáo dục nước ta hiện nay, các em chưa có tư duy phản biện hay thể hiện quan điểm của mình, mà phần lớn vẫn nghe theo sự áp đặt của người lớn. Do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng nếu triển khai chủ trương này.
ThS. Lê Thị Lan Anh bày tỏ:
“Cách triển khai như thế nào, cách làm như thế nào chúng ta phải cân nhắc rất kỹ. Giáo dục ở Việt Nam chưa dạy cho trẻ em tư duy phản biện. Đây có thể là một rào cản khiến việc nhận xét, bình bầu, đánh giá giáo viên đúng như mục đích ban đầu. Bản thân các thầy cô cũng cần hoàn thiện kỹ năng về việc xử lý tình huống sư phạm, về chất lượng chuyên môn, chất lượng đào tạo, trách nhiệm găn bó với nghề, với trẻ, hiểu thấu từng trẻ, có sự dẫn dắt, uốn nắn, động viên và giúp các con trưởng thành”.
Việc cho học sinh, sinh viên được được bày tò quan điểm, đóng góp một cách chân thành, mang tính xây dựng vào quá trình dạy và học là cần thiết. Ảnh: Tuổi trẻ
Hiệu quả của việc học sinh đánh giá giáo viên đã rõ, nhưng hoạt động này mới chỉ được thực hiện ở một số ít các trường ngoài công lập. Để chủ trương này thực sự có hiệu quả chiều sâu, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, khi xử lý các phiếu đánh giá của học sinh, cần giữ danh dự cho giáo viên, không mang ra bàn ở hội đồng nhà trường. Chính vì vậy, vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng và các cán bộ quản lý là rất lớn.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm:
“Trước hết là phải làm công tác tư tưởng cho cả 2 bên. Giáo viên yên tâm sử dụng thông tin lấy được từ học sinh. Hiệu trưởng có vai trò rất lớn, khi thông tin chưa thuận thì phải điều tra, nghiên cứu, phân tích, giải thích. Với học sinh thì phải giải thích cho các em, làm rõ trách nhiệm, mong muốn của các em, chứ không phải đánh giá các thầy một cách vô trách nhiệm. Hoặc ngược lại, phớt lờ những ý kiến tham gia của học sinh thì cái đó cũng không đúng. Việc lấy ý kiến học sinh phải làm cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ”.
Việc học sinh đánh giá giáo viên sẽ khiến các thầy cô thêm phần áp lực. Nhưng qua đó, giáo viên phải biết vượt qua và biến nó thành động lực để làm tốt hơn vai trò và nhiệm vụ của mình.
Suy nghĩ “học sinh đánh giá giáo viên đi ngược lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo” là suy nghĩ lạc hậu, thừa hưởng từ nền giáo dục phong kiến, không phù hợp với giáo dục hiện đại – lấy học sinh làm trung tâm.
Do đó, nhiều chuyên gia giáo dục cùng chung nhận định, nên mở rộng việc học sinh đánh giá giáo viên không chỉ ở các trường dân lập, mà còn ở cả các trường công lập; đồng thời có cách kiểm soát để việc đánh giá không trở nên hình thức.
Theo: http://vovgiaothong.vn/tin-tuc/Duong-tin/31425/Hoc-sinh-danh-gia-giao-vien-Lam-sao-de-thuc-su-co-hieu-qua