(HQ Online)- Bạo lực học đường, sự xuống cấp về đạo đức trong quan hệ thầy trò thời gian qua được nhắc tới khá nhiều. Mối quan hệ thầy trò thiêng liêng mà cha ông ta gìn giữ và vun đắp bao thế hệ giờ có phần bị lung lay. Xung quanh vấn đề gây bức xúc này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV).
Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh clip ghi lại cảnh “hỗn chiến” của thầy trò trường THPT Nguyễn Huệ. Xin cho biết quan điểm của bà trước hành động này? Phải chăng trong xã hội hiện đại vấn đề đạo đức thầy trò không còn được như xưa?
Không chỉ thông qua clip thầy trò đánh lộn trên bục giảng chúng ta mới thấy mức độ nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường. Mỗi thời, mỗi giai đoạn lịch sử, bạo lực học đường có mức độ và hình thức biểu lộ khác nhau. Người làm trong ngành Giáo dục nói chung và nhà quản lý giáo dục nói riêng không ai muốn các hiện tượng đó xảy ra trong trường học. Trong thực tế, một triệu học sinh là một triệu cá tính, là một triệu con người và một triệu thế giới khác nhau. Người ta bảo “làm dâu trăm họ” đã khó, ngành Giáo dục “làm dâu triệu họ” thì khó biết nhường nào! Những gì xảy ra trong clip đó rất đáng chê trách và cần triệt để rút kinh nghiệm, song không chỉ vì một vài hiện tượng mà vội quy kết “tình trạng xuống cấp của đạo đức học đường”.
Có ý kiến cho rằng cách “dạy người” cho học sinh ở các nhà trường hiện đang tồn tại nhiều bất cập?
Các hiện tượng đáng tiếc xảy ra mà báo giới đã thông tin như: Bảo mẫu hành hạ trẻ em, thầy tát trò thủng màng nhĩ, thầy trò tát nhau trên bục giảng… khiến dư luận rất bức xúc. Người xưa có câu “tiếng lành đồn xa”, còn tôi thì cho rằng “tiếng dữ” dễ “đồn xa hơn”- nhất là trong thế giới phẳng, internet khiến mỗi người có thể cập nhật thông tin từng phút như hiện nay. Tâm lý đám đông dễ thổi bùng mọi cơn giận dữ. Chắc rằng, không người bố người mẹ nào muốn con mình bị rơi vào “thảm cảnh” đó. Song, cần nhìn nhận một cách thật đúng mức thì không nên vì một hạt sạn mà hất bỏ cả nồi cơm. Một vài trường hợp không phản ánh bản chất cách “dạy người” bằng bạo lực của ngành Giáo dục.
Chính vì nhìn nhận rõ những hạn chế, bất cập của giáo dục (bạo lực học đường chỉ là một trong số đó), mà những năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chính sách, chương trình nghiên cứu, đề án và hành động cụ thể… với mong muốn cải tổ nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, để chấm dứt bạo lực học đường, trách nhiệm này không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà là trách nhiệm chung, sự phối hợp chặt chẽ của “tam giác giáo dục” Nhà trường- Gia đình- Xã hội.
Phải chăng cái tôi của học trò ngày nay được đề cao, cách giáo dục “thương cho roi cho vọt” của người thầy không còn phù hợp, thưa bà?
Trong mỗi con người ai cũng có cái tôi của mình, cái tôi mỗi thời một khác. Cái tôi càng lớn chứng tỏ xã hội đó văn minh, nhân quyền. Nhưng dù lớn đến đâu thì cái tôi thời nào cũng chịu sự điều chỉnh của hệ thống luật pháp, đó mới là cái tôi trọn vẹn.
Tùy từng giai đoạn lịch sử mà câu nói “Thương cho roi cho vọt” có thể đúng ở một mức độ nào đó, song tôi nghĩ, nó chưa bao giờ được coi là “phương pháp giáo dục tích cực” với con trẻ. Với riêng tôi, roi vọt ở đây hiểu theo nghĩa bóng: Dạy con cần nguyên tắc, nghiêm khắc, thưởng phạt rõ ràng, tránh việc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ khiến trẻ lấn tới, ỷ lại và bất chấp mọi lời dạy dỗ.
Bởi vậy, không phải vì cái tôi của học trò quá lớn mà cách giáo dục “thương cho roi cho vọt” không phù hợp. Bạo lực, đòn roi chưa bao giờ được coi là một phương pháp giáo dục trong trường học.
Mục tiêu đổi mới giáo dục đang được bàn luận sâu rộng trong xã hội, có ý kiến cho rằng khoan hãy nói đến mục tiêu chương trình đào tạo, thi cử mà hãy đổi mới trước tiên về cách dạy người, cách làm người cho học sinh. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?
Trong công tác cải tổ giáo dục, chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo luôn phải đi song hành với nhau. Thiếu một trong hai nội dung đó thì giáo dục như một cơ thể khuyết tật.
Nuôi dạy trẻ giống như chăm sóc cây non. Cây non muốn phát triển lành mạnh cần 3 yếu tố chính: Đất đai màu mỡ, ánh sáng và không khí. Con người cũng vậy. Để bồi dưỡng lối sống, nhân cách trẻ cần sự phối hợp hành động của gia đình, nhà trường và xã hội.
Là người làm trong ngành Giáo dục, tôi vốn được nghe rất nhiều lần câu mà các bậc cha mẹ “ưu ái” dành cho thầy cô “trăm sự nhờ thầy cô dạy cháu”. Con hư cũng trăm sự nhờ thầy, con học chưa tốt cũng trăm sự nhờ cô… Sự tin tưởng của cha mẹ đối với người thầy thật đáng quý trọng, nhưng tin tưởng không có nghĩa là phó mặc.
Bởi, mảnh đất gia đình, trong đó cha mẹ hơn ai hết mới là người thấu hiểu con, cận kề bên con và vì thế, vai trò người thầy đầu tiên và xuyên suốt cuộc đời trẻ chính là cha mẹ. Trẻ học theo khuôn mẫu, những thói quen, tính cách, lối sống, cách đối nhân xử thế của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Mảnh đất có tốt thì cây mới vươn cao. Nhà trường, thầy cô chỉ là thứ ánh sáng dẫn đường cho con bước tiếp. Mảnh đất cằn cỗi thì ánh sáng có nhiều đến đâu, cây non cũng khó bề phát triển toàn diện. “Trăm sự nhờ thầy cô” vì thế cần được hiểu là sự tin tưởng hơn là phó mặc con trẻ cho nhà trường.
Bên cạnh đó có thể thấy rằng, nhà trường, thầy cô chính là nguồn ánh sáng soi đường, định hướng cho trẻ. Để làm được điều này, mỗi thầy cô phải là người rất xuất sắc trong chuyên môn của mình, am hiểu tâm sinh lý học trò. Người thầy không chỉ xuất sắc về chuyên môn mà cần hiểu học trò (tâm lý, thói quen, tính cách, học lực, lối sống…) thì mới vạch đường, chỉ lối phù hợp cho trò thành công.
Ngoài thầy cô và nhà trường thì gia đình là mảnh đất nuôi dưỡng trẻ từ khi sinh ra, thầy cô- trường học là nguồn ánh sáng soi đường, định hướng và xã hội là bầu khí quyển để trẻ hít thở, “tắm” mát mỗi ngày.
Gia đình tốt, trường học hay mà môi trường, cộng đồng xung quanh trẻ bị “ô nhiễm” thì cái cây non cũng khó lòng vươn cao, vươn xa và vững vàng được.
Kỳ vọng vào một môi trường giáo dục “sạch” đúng bản thân, theo bà điều cần tiến hành trước tiên là gì?
Như đã phân tích ở trên, để tạo dựng “Môi trường giáo dục trong lành”, phi bạo lực, chúng ta cần phát huy tối đa vai trò của “tam giác giáo dục”: Gia đình, nhà trường- thầy cô, xã hội. Chỉ riêng thầy cô và nhà trường (suy rộng ra là Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì không thể “đơn phương độc mã” trên con đường “trồng người” được.
Xin cảm ơn bà!
Minh Châu (thực hiện)
Theo BaoHaiQuan.vn – http://www.baohaiquan.vn/pages/dao-duc-hoc-duong-minh-nganh-giao-duc-khong-the-lam-xue.aspx
Để lại một phản hồi