Khi video clip này lan truyền với tốc độ chóng mặt, có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Người thì lên án thầy, người bày tỏ sự chê trách với học trò nhưng cũng có người cho rằng, “thương cho roi cho vọt”. ThS. Lê Thị Lan Anh là một chuyên gia, nhà quản lý về giáo dục lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Dưới đây phân tích của chị.
ThS. Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) |
Là người làm về giáo dục, chị cảm thấy như thế nào khi xem clip này?
Cũng là người làm trong lĩnh vực giáo dục, cá nhân tôi thực sự đáng tiếc cho hành động thiếu kiểm soát của của thầy giáo trong clip. Tôi không rõ hai em mắc lỗi gì, nhưng dù bất kỳ lý do gì thì việc đánh học trò cũng là phản giáo dục.
Chị có thể phân tích tâm lý của giáo viên và học sinh khi dẫn đến hành động như vậy?
Bất kỳ ngành nghề nào, vai trò của chữ NHẪN cũng rất cần thiết. Trong nghề giáo, chữ NHẪN còn đặc biệt quan trọng. Chúng ta quen thuộc với câu “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây”, còn nếu muốn xây dựng đất nước hưng thịnh thì phải hướng đến “trăm năm trồng người”. Hàm ý của câu nói đó vừa có ý nghĩa với quốc gia, dân tộc; vừa mang hàm ý sâu sa rằng: để “trồng người” cần thời gian, cần sự bền bỉ, nhẫn nại rất lớn.
Người Thầy, hơn ai hết luôn phải lấy chữ NHẪN làm đầu. Nếu ai đã từng đứng lớp sẽ trải qua rất nhiều cảm xúc: vui, hạnh phúc, tự hào khi có những học trò thành công; buồn, thậm chí chán nản, bực tức khi giảng dạy cho những học trò có nhận thức chậm, lười học, hư hỗn…
Vấn đề đặt ra là dù trong hoàn cảnh nào, người Thầy cũng cần giữ được tâm thế thăng bằng, xử lý tình huống công minh nhất (mặc dù rất khó) – bởi mọi hành động của Thầy không chỉ ảnh hưởng đến một học trò mà là tấm gương phản chiếu cho hàng chục nhân cách đang hình thành khác trong lớp.
Để làm được điều đó, đòi hỏi người Thầy phải có kinh nghiệm, có sự tích lũy vốn sống, có nghiệp vụ sư phạm, tâm huyết và am hiểu đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi chứ không chỉ là kiến thức truyền đạt đến học trò.
Với hành động này, khoan đánh giá kiến thức, năng lực; chỉ riêng sự tự chủ tâm lý cá nhân, am hiểu tâm sinh lý lứa tuổi học trò, Thầy vẫn chưa hội đủ.
Học trò THPT là tuổi “nhỏ chưa qua, già chưa tới”, lớn về thể xác nhưng chưa “lớn” về trải nghiệm cuộc sống. Tâm lý tuổi này rất dễ bị kích động, thích thể hiện. Vì thế, môi trường sống xung quanh trẻ: gia đình, nhà trường, xã hội có tác động rất lớn đến lối sống, quan niệm, suy nghĩ, phong cách sống của các em. Hành động đánh lại thầy giáo cũng một phần do ảnh hưởng bởi thầy giáo.
Chị có đồng tình với suy nghĩ của nhiều người về hành động của học sinh vừa đáng trách, vừa đáng thương không?
Chúng ta chưa biết chính xác lý do khiến em học sinh bị đánh. Nhưng, như phân tích ở trên, “tờ giấy trắng không thể tự mình vấy mực”. Đáng thương hay đáng trách còn do quan niệm của mỗi người. Cá nhân tôi thì cho rằng, cần có cái nhìn toàn diện về môi trường sống xung quanh em trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Nếu được tư vấn cho người quản lý giáo dục trường đó, chị sẽ nói gì?
Không một nhà quản lý giáo dục nào muốn bị vướng vào hoàn cảnh đó, vì thế tôi thực sự chia sẻ với ban giám hiệu nhà trường và xin có đôi điều hiến kế đến quý trường như sau:
Giải pháp ngắn hạn trước mắt:
– Cần nắm bắt thông tin chính xác, đa chiều, khách quan về vụ việc bằng cách tổ chức những buổi gặp gỡ, trao đổi riêng giữa đại diện nhà trường với: (1) Thầy giáo trong clip; (2) với học sinh trong lớp – những người chứng kiến trực tiếp vụ việc; (3) với chính học sinh bị đánh (và đánh thầy); (4) với gia đình 2 em học sinh.
– Khi đã có cái nhìn đa chiều, chính xác, không thiển cận về vụ việc, biết rõ lỗi nhiều từ ai, lỗi ít từ ai; nhà trường cần có có buổi họp chính thức giữa các bên: ban giám hiệu, thầy giáo, gia đình học sinh, học sinh bị đánh (và đánh thầy), tập thể lớp.
Trong buổi họp này, đại diện nhà trường cần thông tin chính xác nội dung toàn bộ vụ việc đến những người tham dự. Các bên cần xin lỗi nhau và cam kết không để xảy ra tình trạng tương tự tái diễn.
– Công bố sự việc trên rộng rãi trong toàn trường, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm chung cho toàn bộ giáo viên, học sinh một cách công tâm, không miệt thị, kỳ thị ai.
Giải pháp lâu dài, chiến lược:
– Nhà trường nên có các buổi chia sẻ kinh nghiệm, tình huống, nghiệp vụ sư phạm giữa các giáo viên trong trường, giữa các trường với nhau.
– Tự đào tạo hoặc mời chuyên gia đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ sư phạm, tâm lý lứa tuổi học trò cho đội ngũ giáo viên trẻ.
– Tổ chức các khóa học kỹ năng sống ngắn hạn, dài hạn với nhiều chủ đề khác nhau cho học sinh trong toàn trường. Việc làm này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của học trò và còn giúp học trò tự tích lũy cho mình vốn sống, kinh nghiệm sống và trải nghiệm tâm lý tốt hơn.
Các khóa học này cần được tổ chức bởi đội ngũ chuyên gia không chỉ giỏi về chuyên môn, tâm lý mà còn giỏi về phương pháp giảng dạy, cách thức truyền đạt. Nếu phương pháp truyền đạt không hấp dẫn, sinh động, khéo léo sẽ dẫn đến phản tác dụng.
Theo chị, video clip này một phần cảnh báo điều gì trong thực tế giáo dục Việt Nam?
Chúng ta đều biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có rất nhiều chính sách, hành động nỗ lực vì một nền giáo dục Việt Nam phát triển bền vững. Clip này là một “hạt sạn” không mong muốn trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Khách quan mà nói, ngay cả các nước được đánh giá là cường quốc giáo dục như Mỹ, Anh, Pháp…, hiện tượng này vẫn còn ít nhiều tồn tại. Nói như vậy không phải để biện hộ mà để mỗi cá nhân, mỗi người thầy, mỗi trường học, mỗi địa phương cần nhìn nhận đúng mức về tính chất của vụ việc, để ngăn chặn sự việc tương tự và để có giải pháp phù hợp.
Không thể vì một “hạt sạn” mà hất đổ cả bát cơm chắt chiu công sức của bao nhiêu người nông dân, bao nhiêu công đoạn sản xuất, bao nhiêu tâm sức tạo nên.
Xin cảm ơn chị!
Để lại một phản hồi