Học sinh trường quốc tế được lợi…
Theo tìm hiểu của PV, phương án khảo sát năng lực bằng tiếng Anh của trường chuyên Trần Đại Nghĩa TPHCM có thời lượng 90 phút. Cấu trúc đề sẽ bao gồm 2 phần: Phần 1 với 30 câu trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn, một phương án đúng; phần 2 là phần viết với 10 câu hỏi.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định, “khảo sát” hoàn toàn khác với “thi tuyển”. Theo ông Hiếu, thi tuyển là kiểm tra lại những kiến thức, kỹ năng các em đã học trong một khoảng thời gian cụ thể, đề thi cũng nằm trong khuôn khổ đó. Khảo sát nhằm đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh trong cả quá trình học tiểu học với nhiều nội dung, lĩnh vực khác chứ không thuộc giới hạn, khuôn khổ của môn học nào.
“Việc khảo sát năng lực thông qua tiếng Anh là giúp các em vào Trường Trần Đại Nghĩa sẽ học tiếng Anh tăng cường. Các em phải đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh cũng như để thích ứng được việc học các môn Toán, Khoa học bằng tiếng Anh khi vào trường”, ông Hiếu cho biết.
“Từ khảo sát nghe nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn là thi. Tuy nhiên, nếu phương án này làm không cẩn thận thì khả năng sẽ nảy sinh tiêu cực bởi trường chuyên luôn có cung nhiều hơn cầu”.
Hiệu trưởng trường Ngô Thời Nhậm (TPHCM) Phạm Thị Thúy Vĩnh
Chị Nguyễn Thị Lan có con hiện đang học lớp 5 ở một trường thuộc địa bàn quận 1 cho biết, ngay khi có thông tin cấm thi tuyển vào lớp 6 trường chuyên Trần Đại Nghĩa, chị đã cho con ngừng học các lớp luyện thi môn Toán và tiếng Việt, chỉ còn ôn môn Anh văn. Theo chị Lan, con chị bắt đầu luyện thi từ cuối năm lớp 4, lịch học luôn dày đặc với ba môn Toán, Văn, Anh văn. “Nghe tin trường chỉ khảo sát môn Anh văn, vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì con không phải “cày ngày cày đêm” môn Toán, môn Văn nhưng bù lại, Anh văn con học không được tốt bằng hai môn kia”, chị Lan nói.
Trong khi đó, anh Dương, một phụ huynh có con đang học ở trường quốc tế thuộc quận Tân Bình, TPHCM khá tự tin khi nghe thông tin khảo sát vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa bằng môn Anh văn. “Ngay từ lớp 1, con tôi đã được học song ngữ (gồm tiếng Việt và Anh văn) nên khả năng ngoại ngữ của cháu khá tốt, vì thế, gia đình khá tự tin và đang chờ ngày làm hồ sơ cho cháu”, anh Dương nói.
Khảo sát, trắc nghiệm, test IQ, EQ vẫn là… thiTrao đổi với PV, một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục tại TPHCM cho rằng, việc bỏ thi tuyển vào lớp 6 không đáng quan tâm mà quan tâm là có tồn tại trường chuyên hay không?
“Về nguyên tắc, trường chuyên được thành lập là để đào tạo học sinh giỏi, vì thế, cung luôn luôn nhiều hơn cầu nên phải tiến hành nhiều phương án để chắt lọc học sinh, trong đó thi cử là phương án được chú trọng”, chuyên gia này nói.
Theo chuyên gia này, việc tồn tại trường chuyên nhưng không cho thi tuyển, có khả năng dẫn đến tiêu cực, gây khó khăn với các trường này trong vấn đề chọn lọc thí sinh. Về phương án khảo sát năng lực bằng tiếng Anh thay cho việc thi ba môn Toán, tiếng Việt và Anh văn vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa, chuyên gia cho rằng: “Phương án này chưa thật sự phù hợp và dễ làm rào cản đối với một số học sinh không có điều kiện học ngoại ngữ”.
“Ngoại ngữ là một công cụ rất tốt, cần thiết cho sự phát triển sau này. Tuy nhiên, có nhiều người giỏi Toán, giỏi Văn nhưng chưa chắc đã giỏi được Ngoại ngữ và ngược lại. Vì thế, cần phải xem xét mục tiêu của trường là gì, đào tạo học sinh tương lai ra sao rồi mới đưa ra phương án tối ưu nhất, hạn chế thiệt thòi cho một số học sinh khác”, chuyên gia này nói.
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng trường TH – THCS – THPT Ngô Thời Nhiệm, quận 9 cho rằng: “Ngoại ngữ là môn học cần thiết nhưng không phải là tất cả. Vì thế, để đào tạo ra một con người hoàn thiện thì môi trường giáo dục phải hài hòa giữa Đức – Trí – Thể mỹ và cả những kỹ năng sống cần thiết để giúp học sinh phát triển”.
Theo bà Vĩnh, việc khảo sát năng lực bằng tiếng Anh thay cho việc thi ba môn Toán, Tiếng Việt và Anh văn thật ra là như nhau. “Từ khảo sát nghe nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn là thi. Tuy nhiên, nếu phương án này làm không cẩn thận thì khả năng sẽ nảy sinh tiêu cực bởi trường chuyên luôn có cung nhiều hơn cầu”, bà Vĩnh nói.
Trong khi đó, ThS Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt cho biết, bài khảo sát, test IQ, EQ hay thi kiểu truyền thống thực chất vẫn là kiểm tra khả năng của học sinh. “Xin không đề cập đến nội dung mỗi dạng đề tốt hay xấu, nhưng cho dù là thi ở bất kỳ dạng bài nào, học trò cần được làm quen trước. Trong khi đó, học sinh tiểu học của chúng ta thậm chí còn không biết khái niệm EQ là gì, giáo dục Việt Nam vốn rất ít khi cho học trò làm quen với bài test IQ, EQ – mà nay chúng ta “áp” học sinh thi – thực là làm khó học trò quá, nhất là khi ngày thi đã rất cận kề, có xoay xở để ôn luyện cũng vất vả cho cả phụ huynh và học sinh dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng cho cả gia đình thí sinh là điều không thể tránh khỏi”, ThS Lan Anh nói.
Hà Nội sẽ lấy ý kiến chuyên gia về tuyển sinh lớp 6
Ngày 15/4, Sở GD&ĐT Hà Nội họp với các trường THCS có phương án tuyển sinh riêng để thảo luận và đi đến thống nhất, các trường tuyển sinh lớp 6 năm nay thực hiện theo phương thức xét tuyển kết hợp với các hình thức đánh giá năng lực toàn diện của học sinh. Lãnh đạo Sở yêu cầu các trường có thể lựa chọn phương án tuyển sinh như: trắc nghiệm, phỏng vấn, test chỉ số IQ, EQ… Tuy nhiên, các trường phải chấp hành tuyệt đối quy định của Bộ GD&ĐT không tổ chức thi tuyển kiến thức các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ.
Theo đó, hôm nay, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường chốt phương án tuyển sinh để báo cáo với các phòng GD quận, huyện. Các phòng cho ý kiến rồi gửi lên Sở. Sau đó, Sở sẽ mời các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý cùng cho ý kiến thêm về các phương án xét tuyển. Ngày 21/4 tới, Sở sẽ tổ chức họp báo để công khai thông tin tuyển sinh cụ thể.
Nguyễn Hà
Để lại một phản hồi