Báo động vấn nạn học sinh bị bắt nạt trên mạng xã hội

Gần 34% học sinh THCS, THPT từng tham gia vào bắt nạt trên mạng với các vai trò khác nhau (là nạn nhân, thủ phạm, hay vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân).

Đây là kết quả nghiên cứu năm 2018 mà nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra hôm qua. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, số học sinh vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm bắt nạt đang ngày càng tăng.

Trên thế giới, “bắt nạt trực tuyến” được xem như một vấn đề phổ biến của thanh thiếu niên khi sử dụng internet và các phương tiện công nghệ. Tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, các chuyên gia đến từ ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có 10 nghiên cứu về bắt nạt trực tuyến, khảo sát trên 5.000 học sinh, giáo viên và chuyên gia. Kết quả cho thấy, 24% học sinh THCS và THPT tham gia khảo sát là nạn nhân của ít nhất một hình thức bắt nạt trên mạng. Đến 2016, tỷ lệ này tăng lên 35,7%. Năm 2018, kết quả nghiên cứu tại 3 địa phương là: Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa cho thấy, gần 34% học sinh THCS, THPT tham gia bắt nạt trực tuyến với vai trò khác nhau như: nạn nhân, thủ phạm, hay vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm.

Theo TS Trần Thành Nam – Giảng viên Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), bắt nạt trực tuyến là việc một người hay một nhóm người cố ý đăng, gửi, hoặc chia sẻ, truyền đạt liên tục thông tin cá nhân tiêu cực, sai sự thật mà không được phép, để đe dọa người khác trên mạng Internet. Những thông tin này được truyền tải qua ứng dụng và thiết bị điện tử làm ảnh hưởng danh dự, gây tổn thương người khác. Điều đáng lo ngại là: số học sinh vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm đang ngày càng tăng (chiếm khoảng 24%). Như vậy, học sinh có thể bị bắt nạt ở trường, khi về nhà lại thực hiện hành vi bắt nạt trên mạng, xu hướng tâm lý giống như “giận cá chém thớt”.

TS Trần Thành Nam lý giải: “Việc bắt nạt trên mạng cũng là hệ quả của bắt nạt thực tế. Nhưng bắt nạt trên thực tế, đối được bị bắt nạt dễ nhận diện hơn, những vụ việc trên thực tế dễ bị phát hiện, dễ bị xử lý hơn, nạn nhân và người bắt nạt trên thực tế đều có cảm giác bị ấm ức. Cho nên, khi lên trên mạng, họ được ẩn danh, họ có thể dễ dàng dồn sự ấm ức của mình cho người khác, trả đũa lại người bắt nạt mình. Vì những vấn đề trên thực tế rất là nhiều, nên mang những ấm ức lên trên mạng, làm cho tỷ lệ bắt nạt trực tuyến trong những năm gần đây tăng lên”.

Theo những nghiên cứu của ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), học sinh bắt nạt trên mạng xã hội thường có suy nghĩ “trêu đùa cho vui”. Phần lớn các em không biết cách ứng phó, không nói với cha mẹ, thầy cô giáo để tìm cách ngăn chặn. Do vậy, theo TS Trần Thành Nam, các bậc cha mẹ cần được trang bị những kiến thức về nguy cơ bắt nạt trực tuyến, và cần có những kỹ năng cơ bản để giúp con mình phòng vệ.

Những lời nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm trên môi trường ảo có thể gây ra những tổn thương thực

TS Trần Thành Nam phân tích: “Nếu như các con nhận được thông tin trên mạng mang tính chất đe dọa, làm nhục, các con cần được phản ứng theo 4 bước. Thứ nhất, không phản hồi lại thông tin đó. Thứ hai là tìm cách chặn những người đưa thông tin bắt nạt mình. Thứ ba là chụp ảnh, lưu lại những minh chứng về việc bị bắt nạt. Thứ tư, phải chia sẻ việc bị bắt nạt cho người lớn, có trách nhiệm biết”.

Đồng tình với quan điểm này, ThS. Lê Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) cho rằng, việc bắt nạt trên mạng bắt nguồn từ việc gia đình cho con sử dụng thiết bị công nghệ quá sớm. Do đó, giải pháp phải bắt nguồn từ phía gia đình. Văn hóa trong gia đình đóng vai trò quyết định trong việc một cá nhân hành xử có phù hợp với bạn mình hay không, dù là trực tiếp hay gián tiếp qua mạng.

ThS. Lê Thị Lan Anh cho biết: “Giải pháp từ gia đình đầu tiên là bố mẹ cùng chăm sóc, dạy dỗ cho con, khi đó các con sẽ giảm thiểu được những lời khiếm nhã với bạn bè của mình trực tiếp hoặc gián tiếp. Thứ hai, bố mẹ cần kiểm soát về công nghệ, kiểm soát các thiết bị mà các con sử dụng. Thứ ba, bản thân bố mẹ cũng cần xây dựng thói quen sử dụng công nghệ tốt. Thứ tư, bản thân bố mẹ cũng cần có thời gian ở bên con nhiều hơn, giúp các bạn tháo gớ những nút thắt về tâm lý, học tập, khó khăn đối nhân xử thế, hạn chế được những hành vi lệch chuẩn”.

Trên thực tế, tâm lý của học sinh khi sử dụng mạng xã hội thường không kết bạn, thậm chí chặn facebook của bố mẹ, thầy cô, vì các em không muốn bị kiểm soát. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ nên có hệ thống “tai mắt” riêng để giám sát. Bên cạnh giải pháp từ phía gia đình, nhiều chuyên gia cho rằng, trách nhiệm của nhà trường ở đây cũng là rất lớn. Nếu như Ban giám hiệu, thầy cô giáo và phụ huynh cùng tác động thì sẽ thay đổi rất nhiều hành vi của học sinh trong và ngoài nhà trường. Đến đây, chương trình Đường tin chiều nay xin được dừng lại. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi! Hẹn gặp lại quý vị trong các chương trình tiếp theo.

Theo: http://vovgiaothong.vn/tin-tuc/Duong-tin/31490/Bao-dong-van-nan-hoc-sinh-bi-bat-nat-tren-mang-xa-hoi