VOV.VN – Bà Lê Thị Lan Anh: Giáo viên phải thường xuyên đổi mới “món ăn”, tăng “gia vị” cho từng tiết học mới kích thích được sự yêu thích, khích lệ khám phá, say mê của con trẻ
Dư luận đang rất quan tâm đến Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Nội dung trong Chỉ thị lần này liên quan đến nhiều lệnh cấm: nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày, không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học, không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ, không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6…
Bà Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) cho rằng, Chỉ thị của Bộ về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trong khối tiểu học là không mới. Ngày 16/5/2012, Bộ đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về vấn đề này. Tuy nhiên, thực trạng dạy thêm học thêm đâu đó vẫn còn, vì thế Chỉ thị lần này mang tính “chấn chỉnh”.
Bà Lê Thị Lan Anh cho rằng, văn bản luật nào mới ban hành cũng vấp phải nhiều luồng dư luận khác nhau. Những nội dung trên có thể mới với Việt Nam nhưng hoàn toàn không mới với các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới. Các quốc gia có nền giáo dục phát triển ở cả châu Á và châuÂu, học sinh học hoàn toàn không có áp lực, không phải kiễng chân để theo kịp điểm số, không phải mất ăn mất ngủ vì bài vở về nhà… Họ cũng có bài nhưng là những dạng bài luận, theo dạng đề mở và thỉnh thoảng mới có một lần (như kiểu sinh viên làm tiểu luận). Học trò làm bài với sự hăng say, thích thú và dưới sự hướng dẫn của bố mẹ. Nói như vậy để thấy, việc học của học sinh tiểu học không phải chỉ dừng lại ở tiếng Việt, Toán – quan trọng hơn đó là phương pháp học.
Không đơn thuần học Toán và tiếng Việt một cách khô cứng
PV: Bà có thể chia sẻ kỹ hơn về phương pháp học cho trẻ tiểu học không?
Bà Lê Thị Lan Anh: Từng cấp học của học sinh theo trình tự như khi chúng ta xây nhà: mầm non là giai đoạn đào móng, tiểu học là thời kỳ xây móng, THCS và THPT là tường, Đại học là nóc nhà. Như vậy, chúng ta có thể xây nhà 1 tầng, 2 tầng hay 72 tầng như tòa nhà KeangNam thì việc đầu tư cho cho giai đoạn đào móng, xây móng là quan trọng vô cùng. Móng có chắc thì nhà mới vững, kết cấu có khoa học thì xây thêm tầng với cao.
Phương pháp với trẻ tiểu học (và mầm non) là học và chơi một cách đúng nghĩa chứ không phải khẩu hiệu. Làm sao để mỗi tiết học, mỗi giờ học trẻ thật nhẹ nhàng, khiến trẻ vui thích, hứng thú. Bởi chỉ khi học trò hứng thú thì mới say mê khám phá và tiếp xúc tri thức, kiến thức xung quanh một cách chủ động. Nếu học nhồi nhét, ép buộc hoặc giờ học nhàm chán, trẻ sẽ sợ và ngại học. Khi sợ học thì vô hình chung chúng ta đã giết chết ham thích học của trẻ, đẩy trẻ vào các trò chơi đầy cám dỗ nhưng vô cùng hại như: game online, ipad, điện thoại thông minh…
Chơi và học của trẻ có thể áp dụng ở mọi lúc, mọi nơi, ví dụ như khi dạy trẻ về phân số, thay vì giải thích bằng lời như cách dạy truyền thống, chúng ta nên cho trẻ xem các hình ảnh minh họa trực quan: 1/2 của hình tam giác đều (dùng giấy dán màu cắt hình tam giác đều thành 2 phần bằng nhau, sinh động hơn thì mỗi phần 1 màu), 1/4 của hình vuông (dùng các miếng ghép bìa sắc màu cắt đều ra làm 4 phần).
Giờ học về phân số, trẻ có thể cùng với cô giáo tự tay tạo ra các sản phẩm để vừa chơi, vừa học, vừa tăng sự khéo léo cho đôi tay. Cứ như vậy, việc học phân số, phần trăm, tỷ lệ sẽ rất thú vị và hoàn toàn không áp lực.
Việc học mà chơi như thế cần được áp dụng ở cả trường và ở nhà. Để làm được đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên đổi mới “món ăn”, tăng “gia vị” cho từng tiết học mới kích thích được sự yêu thích, khích lệ khám phá, say mê của con trẻ; bố mẹ cũng phải trang bị kiến thức, phương pháp để cùng học và chơi với con.
Với cái móng nhà luôn thích thú khám phá, luôn ham học hỏi (thay vì sợ học, thay vì đối phó với điểm, thay vì áp lực lên lớp…) – chắc chắn chúng ta có được thế hệ học trò chủ động tìm kiếm cái mới, khám phá thế giới xung quanh. Như vậy trẻ có sự phát triển toàn diện hơn cả ở thể chất, kỹ năng học, kiến thức về cuộc sống xung quanh chứ không chỉ đơn thuần là học toán và tiếng Việt một cách khô cứng.
PV: Phương pháp này phù hợp với học sinh lớp 1, 2; nhưng với học sinh lớp 3 trở lên, việc cấm thi học sinh giỏi, cấm giao bài tập về nhà liệu có phù hợp thưa bà?
Bà Lê Thị Lan Anh: Như tôi đã phân tích ở trên, với học sinh tiểu học, các con cần được trang bị phương pháp học chủ động, học trong chơi và chơi trong học mọi lúc, mọi nơi. Trẻ cần được hun đúc sự say mê, hứng thú khám phá thế giới chứ không chỉ học để đi thi học sinh giỏi.
Giai đoạn tiểu học là độ tuổi cần được kích hoạt tối đa tiềm năng trong não bộ, khả năng của trẻ trong càng nhiều lĩnh vực càng tốt – chứ không nên khuôn trẻ trong 1-2 môn chỉ để thi học sinh giỏi. Nếu quá chú trọng việc học để thi – trẻ sẽ không có thời gian học thứ khác, đặc biệt là kỹ năng sống, các môn năng khiếu…
3 điều kiện “cần” để thực hiện “lệnh cấm” hiệu quả
PV: Nhiều người cũng lo ngại việc ban hành các lệnh cấm mà chưa có nhiều gian nghiên cứu và làm thí điểm, liệu việc này có ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học?
Bà Lê Thị Lan Anh: Việc này chỉ mới với một số người Việt Nam thôi, còn trên thế giới họ đã làm từ lâu rồi và làm rất hiệu quả. Do vậy, việc thí điểm là không cần thiết.
Nên chăng, từng bước giảm số lượng học sinh mỗi lớp đạt chuẩn: 30-35 học sinh thay vì 50-60 học sinh như hiện nay. Chất lượng dạy và học tùy thuộc vào nhiều yếu tố, không thể nói chỉ vì thông tư cấm dạy thêm học thêm mà ảnh hưởng được.
PV: Để thực hiện được những lệnh cấm này, Bộ GD-ĐT và các đơn vị liên quan cần có giải pháp như thế nào, thưa bà?Bà Lê Thị Lan Anh: Cần sự vào cuộc bắt đầu từ chính nhà trường. Nhà trường kiên quyết không dạy thêm học thêm thì phụ huynh có muốn cũng không thể.
Thứ 2 là sự đồng thuận, ủng hộ từ phụ huynh. Chính phụ huynh chứ không phải ai khác chính là người quyết định lựa chọn việc học của con mình. Không có bài tập về nhà, không áp lực thi cử, con trẻ có cơ hội được tham gia nhiều hơn các khóa học khác để trang bị thêm kỹ năng sống, tri thức tự nhiên xã hội, khoa học kỳ thú, các môn năng khiếu… mà trong trường chưa có điều kiện để dạy tốt.
Riêng việc tham gia các lớp ngoại khóa này, chúng tôi cũng khuyến cáo phụ huynh nên lựa chọn những đơn vị đào tạo uy tín, chất lượng, có phương pháp giảng dạy mới. Tốt nhất nên có buổi học thử trước khi quyết định.
Thứ 3 là cần sự vào cuộc sát sao của thiết chế giáo dục các cấp. Làm được như vậy, chúng ta tin tưởng vào tính khả thi và môi trường giáo dục từng bước tốt hơn cho con trẻ.
PV: Xin cảm ơn bà./.
Để lại một phản hồi