Ý tưởng giúp bố mẹ quản lý con an toàn và hiệu quả trong kỳ nghỉ hè

Chỉ còn nửa tháng nữa là đến kỳ nghỉ hè của học sinh. Làm thế nào để con em mình thực sự có một mùa hè vui tươi, bổ ích và an toàn là điều mà người cha, người mẹ nào cũng mong mỏi.

Phụ huynh lo lắng

Trái với tâm lý vui mừng của trẻ khi được xả hơi, các bậc phụ huynh lại loay hoay giải bài toán bố trí chăm và trông con trong dịp hè. Con nghỉ, bố mẹ vẫn phải đi làm. Quản lý các con an toàn đã khó. Làm thế nào để con có kỳ nghỉ hè vui chơi, giải trí thú vị và bổ ích lại càng khó hơn.

Chị Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Vợ chồng tôi rất lo vì cả hai cháu đều được nghỉ học, ở nhà với người giúp việc. Chúng tôi đi làm cả ngày nên không có thời gian quan tâm, trông nom các cháu. Nếu cho ở nhà thì hai đứa con trai của tôi lại chơi điện tử suốt ngày”.

choi điện tử

Nhiều bậc phụ huynh lo ngại con sẽ chỉ chơi điện tử khi nghỉ hè

Cùng chung tâm trạng lo lắng của rất nhiều các bậc phụ huynh khác, chị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: Ngay từ cuối học kỳ II, vợ chồng chị đã gợi ý cho các con đi học các lớp năng khiếu trong dịp hè như: Bơi lội, múa hát… để chúng có một mùa hè vui tươi, bổ ích. Thế nhưng, cả 2 đứa con chị đều tỏ ý không thích đi học các lớp này. Vừa phải đóng tiền học, phải thu xếp thời gian đưa đi đón về. Trong khi con lại không hứng thú thì liệu rằng việc học có hiệu quả. Chị Mai chia sẻ thêm rằng, vì con là con gái, nên nếu ở nhà mà không có người để ý chặt chẽ, thì lại càng lo.

Không chỉ ở thành phố, các bậc phụ huynh ở nông thôn cũng lo lắng không kém bởi ở nông thôn. Sân chơi và các hoạt động hè cho trẻ em cũng hiếm hoi hơn. Tại đây lại có nhiều sông, mương, ao hồ. Thực tế đã có những tình huống đáng tiếc xảy ra.

Làm thế nào để quản lý con an toàn và hiệu quả trong kỳ nghỉ hè?

Theo ThS Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV): “Tùy từng gia đình, điều kiện hoàn cảnh cụ thể mà lựa chọn giải pháp phù hợp để quản lý trẻ an toàn. Quan điểm của tôi là cần dung hòa giữa hai thái cực.Thứ nhất: Mùa hè là mùa để cho trẻ chơi, để cho trẻ thư giãn, được sống với “đúng tuổi thơ” của mình. Thứ hai: Nếu có học thì phải là học kỹ năng, học sinh tồn, học sống độc lập, học làm việc nhóm, học sẻ chia…

Dưới đây là một số cách để con có một kỳ nghỉ hè an toàn và hiệu quả mà bố mẹ có thể tham khảo:

Cho con tham gia các khóa học trải nghiệm tự sinh tồn

Đối với trẻ nhỏ, dạy tự vệ không quan trọng bằng cách phòng tránh mối nguy hiểm. Đừng cố gắng che chở con bằng mọi giá. Cha mẹ nên trang bị cho trẻ những kỹ năng sinh tồn cần thiết để tự bảo vệ bản thân. Khi đối mặt với các tình huống bất ngờ và cấp bách. Trẻ có thể ứng phó với hoàn cảnh một cách chủ động và đúng đắn nhất. Giúp giảm bớt những tai nạn hoặc sự cố đáng tiếc xảy ra.

Ở các thành phố lớn, có nhất nhiều khóa đào tạo, rèn luyện kỹ năng cho trẻ. Các khóa học này đều có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, nhà khoa học, các chiến sĩ cảnh sát… Sau khi tham gia khóa học, con đã được trang bị và thực hành các kỹ năng thiết yếu. Cha mẹ có thể yên tâm để con ở nhà một mình (nếu con đã trên 6 tuổi).

trải ghiệm sinh tồn

Cho trẻ tham gia hoạt động sinh tồn

Để con tham gia những hoạt động yêu thích

Sẽ là vô tác dụng nếu ép con học thêm, học trước chương trình, học nâng cao… Để con học giỏi, vượt trội hơn bạn bè trong lớp. Trẻ có thể học được nhiều điều từ trường lớp, sách vở. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả kiến thức trẻ cần trong cuộc sống. Bố mẹ hãy khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, vừa chơi vừa học. Chính những hoạt động này sẽ giúp trẻ phát triển thể chất toàn diện. Trẻ có nhiều kiến thức, kỹ năng thực tế hữu ích mà không sách vở nào có được.

Hè là thời gian lý tưởng để trẻ sinh hoạt trong những câu lạc bộ tiếng Anh, võ thuật múa hát, đọc sách, vẽ… Điều quan trọng là, trước khi cho con tham gia một hoạt động nào, bố mẹ cần hỏi ý kiến trẻ, hiểu sở thích của con, đồng thời có định hướng những thứ phù hợp với tâm lý, lứa tuổi… của trẻ.

Hướng dẫn con xây dựng thời khóa biểu ở nhà

Không nên quá khắt khe bắt con học liên tục nhưng cũng đừng nên thả lỏng cho trẻ thích gì làm nấy trong thời gian con được nghỉ hè. Hãy lên lịch cho các hoạt động của trẻ một cách linh hoạt: Thời gian nào đọc sách, vui chơi, xem truyền hình, vào internet… mỗi hoạt động diễn ra trong 30-60 phút.

du lịch trải nghiệm

Đi du lịch trải nghiệm giúp trẻ học hỏi thế giới quan rộng lớn

Đi du lịch trải nghiệm

Cho trẻ đi du lịch sẽ giúp con sớm nhận thức và học hỏi về thế giới quan rộng lớn, qua đó giúp ích rất nhiều cho con trong môn học Tập làm văn. Trẻ cũng sẽ được nhiều cơ hội để vận động và học cách thích nghi với môi trường sống mới, kỹ năng mới. Thông qua các chuyến đi, bố mẹ hướng dẫn cho con thêm các kỹ năng sinh tồn, độc lập, tự chủ và tự tin trước người lạ.

Tùy điều kiện hoàn cảnh, kinh tế, mỗi gia đình có thể sắp xếp những kỳ nghỉ khác nhau: Có thể đi du lịch, khám phá những miền đất mới, đến một khu nghỉ dưỡng… hoặc về quê sống bên ông bà một thời gian cũng là dịp tốt để trẻ được hòa mình vào thế giới thiên nhiên, mà nơi đó các em còn nhiều điều chưa được biết, nhiều điều sẽ được học hỏi.

Ôn bài và khám phá năm học mới

Bố mẹ có thể gợi ý để con xem trước sách giáo khoa của năm học tới, nhất là những bộ môn con yêu thích. Những bạn học quá yếu kém cần ôn lại kiến thức văn hóa thì bố mẹ cũng nên cân đối thời gian phù hợp giữa học và chơi, đừng quá o ép con.

Quỳnh Hương

Theo daycon.com

http://daycon.com.vn/y-tuong-giup-bo-quan-ly-con-toan-va-hieu-qua-trong-ky-nghi.html