VOV.VN – Nhiều độc giả đồng tình với quan điểm của chuyên gia “đuổi học chỉ là hạ sách”, nhưng có rất nhiều ý kiến phản đối…
Sự việc 7 học sinh đánh hội đồng một nữ sinh nữ sinh lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Sau khi VOV.VN đăng tải ý kiến của chuyên gia giáo dục ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu về giáo dục và phát triển trí tuệ Trẻ em, đã có hàng trăm ý kiến trái chiều về quan điểm xử lý vụ việc này của ThS. Lê Thị Lan Anh.
Hãy cho các em cơ hội được sửa chữa
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của ThS. Lê Thị Lan Anh rằng, “đuổi học chỉ là hạ sách. Tâm lý học trò lứa tuổi THCS biến động rất phức tạp, vì thế, nếu bị đuổi học, hậu quả sau đó người lớn khó mà lường được”. Một bạn đọc giấu tên xin giấu tên cho rằng, hãy để các cháu có cơ hội sửa chữa. Ở tuổi 13-14 rất bồng bột, rất dễ nhiễm tác động bên ngoài, lỗi là do người lớn chúng ta không theo sát và giáo dục tốt các cháu. Nếu dùng hình phạt nặng với các cháu thì có thể không giúp các cháu tốt hơn mà ngược lại.
Độc giả Thế Văn cũng cho rằng, trẻ con Việt Nam ít nhiều mang tính “a dua, hiếu chiến”. Vì vậy cần giảm giờ học lý thuyết suông. Trong trường học mà phải nhìn thẳng vào tình trạng bạo lực học đường hiện nay để cải cách giáo dục hiệu quả hơn.Độc giả tên Nghen cũng đồng ý với ThS Lê Thị Lan Anh rằng sự vô cảm lan truyền trong đời sống từ sự vô cảm của người lớn. Nếu nhà trường đuổi học các em vi phạm đánh bạn thì nhà trường công nhận sự bất lực, không làm tròn trách nhiệm của mình.
Độc giả có nick anhlanpham nhất trí đuổi học là hạ sách, nên cho những học sinh này vào trại giáo dưỡng học tập bắt buộc.
Trong bài trả lời phỏng vấn VOV.VN, ThS Lê Thị Lan Anh cho rằng, không có giải pháp nào tối ưu để hạn chế tình trạng bạo lực học đường cho mọi đối tượng, nhưng với trường hợp cụ thể này, chúng ta có thể giúp học trò theo hướng nhân văn: Cho học trò tham gia các khóa học chuyên dành cho trẻ em như: khóa tu thiền định, khóa tu mùa hè, một ngày niệm phật, khóa học về tình yêu và sự sẻ chia, khóa học về lòng biết ơn… Gần đây, những khóa học này được các chùa tổ chức mang lại hiệu quả khá tốt trong việc tĩnh tâm, suy nghĩ tích cực cho học trò.
Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc có nick Mây lang thang cũng cho rằng, việc xây dựng các chương trình ngoại khóa để học trò được giao lưu, chia sẻ và gắn kết tình cảm bè bạn. Những hoạt động này biết là rất khó để làm, nhưng khi làm đến nơi đến chốn, hiệu quả sẽ rất lâu bền.
Độc giả có nick Ryan cho rằng, ở độ tuổi “nửa ông, nửa thằng” này, tâm lý rất phức tạp, đứa trẻ nào cũng muốn thể hiện mình nên mới xảy ra tình huống đáng tiếc như vậy. “Ai có thể đảm bảo rằng khi đuổi học những học sinh này sẽ không còn những điều này xảy ra. Tôi dám chắc là hệ lụy sẽ còn tồi tệ hơn. Vấn đề là ở cách giáo dục chưa phù hợp”.
Độc giả Nam Minh cũng nhận định, đuổi học đồng nghĩa với việc nhà trường thừa nhận sự bất lực và đẩy cái xấu, cái tệ nạn ra ngoài xã hội.
Độc giả Đức Phúc cũng đồng tình ý kiến đuổi học là hạ sách. Hãy dạy các em biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn. Ngoài học chữ hãy dạy các em kỹ năng sống và văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Lỗ hổng lớn nhất hiện nay đó là giáo dục của gia đình và nhà trường, đặc biệt là gia đình. Nhiều gia đình cha mẹ chưa thực sự là tấm gương tốt để con em noi theo.
Phải xử lý nghiêm, kể cả đuổi học
Tuy nhiên, có rất nhiều độc giả không đồng tình với ý kiến của Ths Lê Thị Lan Anh rằng “đuổi học chỉ là hạ sách”. Độc giả Quang Cường cho rằng, nếu cho những học sinh này tiếp tục đi học chúng sẽ nghĩ rằng “mình là những anh hùng, những đại ca”. Rồi thì cả trường này ai ai cũng phải nép vế với chúng, chúng sẽ sống theo kiểu a dua, bầy đàn, kéo bè kéo cánh thực hiện những thói hư tật xấu. “Điều đặc biệt quan trọng là chúng sẽ lôi kéo rất nhiều em khác vào những hành vi đó. Ai không theo lại có một kết cục như vừa rồi, vì chúng nghĩ sẽ chẳng bị hình thức kỷ luật nào nghiêm khắc”.
Độc giả Hà Kính và nhiều người khác đề nghị, trong trường hợp này nhà trường buộc phải xử lý học sinh theo quy chế. Vượt quá giới hạn thì xử lý theo pháp luật. Khoa học là khoa học, pháp luật là pháp luật.
Còn độc giả Đức Toàn nêu quan điểm, 7 học sinh này thuộc diện cá biệt, trong người đã có “máu lạnh”. Đuổi học cũng chưa là tối ưu, nhưng nếu còn được giáo dục trong nhà trường, chắc gì các học sinh này đã trở thành người tốt. Đuổi học, ra ngoài xã hội có kẻ sẽ bất cần đời và có thể trở thành những kẻ xấu, hậu quả chắc khó lường; nhưng nếu vẫn tiếp tục học, sau này thành tài nếu không rèn luyện nghiêm túc thì cũng trở thành người vô dụng và có khi lại nguy hiểm cho xã hội.
Trong bài phỏng vấn của VOV.VN, Ths Lê Thị Lan Anh cho rằng, sau khi hứng trọn cơn thịnh nộ của đám bạn, cô bé cũng không phản kháng: không dám kể với cha mẹ, không mách thầy cô – điều trái với lẽ thông thường. Cần phải xem xét lại tính cách của bạn lớp trưởng này, cách bạn này “quản lý” bạn cùng lớp và môi trường của lớp học đó.
Nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến phản đối nhận định này của Ths Lê Thị Lan Anh. Độc giả Lâm Tuấn Anh, Đình Phạm và nhiều độc giả cho rằng, nữ sinh bị đánh này rơi vào hoàn cảnh đơn thân độc mã, bị cô lập, chèn ép, đe dọa và thất thế trước một băng nhóm có thế lực, em không có một người bạn để chia sẻ hay báo cho người thân biết. Những người học cùng lớp không thuộc “băng nhóm” với nhóm học sinh đánh hội đồng thì không muốn bị trả thu hay phiền hà nên không can ngăn hoặc báo nhà trường, nguyên nhân thì phải xem xét bắt đầu từ gia đình, bạn bè, nhà trường…
Bạn đọc ở địa chỉ email tibibinhthanh@yahoo.com cũng cho rằng, quy luật sinh tồn cho thấy chỉ có thể phản kháng/tự vệ khi tương quan lực lượng là cân bằng. Còn nếu tương quan lực lượng thiếu cân bằng như trường hợp này, không phản kháng/tự vệ mới là cách tốt nhất để có thể sống sót. Cô bé đã làm đúng trong hoàn cảnh này, nhờ không phản kháng/tự vệ mà những người hành hạ đã thỏa mãn với cảm xúc “bề trên” đã đạt được và tha cho nạn nhân.
Phản hồi lại những ý kiến trên, Ths Lê Thị Lan Anh cho rằng, tự vệ ở đây không chỉ ở lúc bị đánh, khả năng tự vệ còn thể hiện ở việc trò dám lên tiếng, dám kể với thầy, mách cha mẹ, chia sẻ với người lớn nhờ can thiệp…, chứ không chỉ âm thầm chịu đựng 2 tháng như thế. Tự vệ phải hiểu rộng hơn như thế. Nếu clip không được tung lên, ai dám chắc rằng có thể những lần sau bị đánh nữa, cô bé đó vẫn im lặng hay phản kháng? Nếu được trang bị kiến thức và kỹ năng tự vệ, trò sẽ chủ động hơn rất nhiều – chứ không một mình âm thầm chịu trận.
Còn bạn, ý kiến của bạn như thế nào về vấn đề này?./.
Để lại một phản hồi