Để trò hành xử đúng mực thì trước hết thầy phải là tấm gương.
LTS: Từ vụ thầy trò đánh nhau trên bục giảng tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Bình Định), tuy đều thống nhất đánh giá “thầy không tròn, trò không trọn” nhưng nhiều chuyên gia cho rằng truyền thống tôn sư trọng đạo cũng cần được nhìn nhận lại cho phù hợp với xã hội hiện đại… Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của ThS Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt. Đồng thời mời bạn đọc góp thêm ý kiến.
Trước tiên phải khẳng định rằng tôn sư trọng đạo là truyền thống từ ngàn xưa của ông cha ta. Tinh thần đó được lưu giữ và truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ học trò trước sang thế hệ học trò sau. Thời gian gần đây, một số hiện tượng mặt trái của giáo dục nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận như clip thầy trò tát nhau, clip bảo mẫu hành hạ trẻ em… Đó là những hạt sạn trong ngành giáo dục mà không một người quản lý nào mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, nó đã xuất hiện khiến chúng ta cần có sự nhìn nhận, đánh giá đúng mức về hai chữ “trọng đạo”, “tôn sư”.
Thầy đánh trò: Tự đánh mất đạo làm thầy
Nghề giáo như một nghệ nhân uốn cây non. Cây còn nhỏ, sử dụng phương pháp và cách thức phù hợp để cây trưởng thành khỏe mạnh, hướng về phía ánh sáng. Khi cứng cáp hơn, cây cần được chăm chút, tưới bón sao cho từng bước đương đầu được với sóng gió cuộc đời. Để trở thành người thầy giỏi, xuất sắc cũng là cả một nghệ thuật. Người thầy vốn là tấm gương để học trò noi theo. Hằng ngày thầy giảng những tri thức, triết lý sống, lời hay ý đẹp thì chính thầy cũng cần biết tiết chế, kìm nén cảm xúc giận dữ. Nghề giáo đòi hỏi một sự chuẩn mực lớn hơn rất nhiều so với ngành nghề khác. Bởi vậy, dạy học trò đã khó, phạt học trò còn khó hơn. Khi người thầy thiếu tiết chế, tức giận đến mức đánh học trò đó là một hành động thiếu kiểm soát, phản khoa học, tạo thành tấm gương mờ đối với trò. Thầy không được trò phục là tự đánh mất cái đạo làm thầy.
Thầy cô dạy THPT không chỉ là thầy mà còn cần là bạn của trò. Ảnh minh họa: HTD
Người thầy cũng là người bạn
Với học sinh cấp THPT, các em đã định hình cho mình quan điểm sống, lối sống, nhân cách, phân biệt đúng, sai rất rõ ràng. Đồng thời, tâm lý trẻ độ tuổi này cũng rất hiếu thắng, nóng vội, dễ có những hành động bột phát, thiếu kiểm soát. Người thầy dạy THPT không chỉ là thầy mà còn cần là bạn của trò – một người bạn lớn gần gũi, yêu thương, chia sẻ với các em.
Việc thầy “dạy” trò bằng những cái tát liên tiếp vô hình trung đã tự vả vào mặt mình, hoàn toàn đánh mất hình ảnh mô phạm của người thầy. Hành động đánh trả lại thầy cũng phản ánh phần nào “tấm gương” thầy ngay tại thời điểm đó. Thầy không giữ lễ thì khó mà dạy trò phải “tôn sư”.
Ít có quốc gia nào trên thế giới có ngày tôn vinh các nhà giáo như ở Việt Nam. Điều đó thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Song, mỗi giai đoạn lịch sử, cách chúng ta tri ân thầy cô lại khác nhau. Thời chúng tôi, đến dịp 20-11, cả lớp góp chung tiền hoặc trích quỹ lớp để bàn nhau mua những món quà giản dị tặng thầy cô như sổ ghi chép, bút, khăn quàng cổ, mũ, găng tay; sang trọng hơn là vải may áo dài, tranh treo tường…
Gần đây, 20-11 dường như không chỉ là của trò nữa mà nó còn là mối bận tâm của cả gia đình trò. Bên cạnh những cách tặng quà, tặng hoa truyền thống, nhiều cha mẹ không biết vì vô tình hay hữu ý đã tặng “hoa đồng tiền” cho thầy cô trước sự chứng kiến của con trẻ. Những đoạn hội thoại của cha mẹ đại loại như: “Không biết tặng gì cho cô giáo nhỉ?”, “Cái này rẻ quá sợ cô không vui”, “Mẹ bận lắm không mua được quà đâu, con mang phong bì đến tặng cô”… đã gieo vào trẻ cách nghĩ khác đi về ý nghĩa tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam. Để dạy trò hiểu, cảm nhận, hành động bằng lòng biết ơn chân thành, hành xử đúng mực thì chính người lớn – cha mẹ, thầy cô phải là người nêu gương.
ThS Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt
Theo plo.vn