VOV.VN – Việc tổ chức đánh hội đồng hay tham gia vào đánh hội đồng – chứng tỏ tâm lý a dua, hiếu chiến manh nha trong học trò từ rất sớm.
Sự việc 7 học sinh đánh hội đồng một nữ sinh nữ sinh lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) và cách nhìn nhận, xử lý vấn đề của nhà trường đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Để rộng đường dư luận, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu về giáo dục và phát triển trí tuệ Trẻ em.ThS. Lê Thị Lan Anh có gần 10 năm làm công tác nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, phát triển trí tuệ trẻ em. Hiện ThS. Lê Thị Lan Anh đang là chủ nhiệm dự án Nghiên cứu và Phát triển nhân tài Việt; nghiên cứu các chương trình phát triển trí thông minh, sự tự tin và kỹ năng sống cho trẻ em…
PV: Bà nhìn nhận như thế nào về sự việc một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị đánh liên tiếp vào đầu ngay trong lớp học, kể cả việc quay clip đưa lên mạng?
ThS. Lê Thị Lan Anh: Đây không phải lần đầu tiên dư luận bức xúc trước các vụ việc bạo lực học đường, nhưng sau khi xem clip này, xét từ góc độ tâm lý học trò, tôi có những băn khoăn: Thứ nhất, học trò lớp 7 đã có nhận thức khá tốt về hành vi tốt – xấu, thế mà khi tận mắt chứng kiến một nhóm đánh bạn lại không ai đi báo thầy cô giáo, không ai can ngăn. Phải chăng, tâm lý “bạo lực đám đông, a dua” đã biến học trò trở nên vô cảm trước rủi ro của bạn?Thứ hai, người lớp trưởng mà có tư tưởng “anh chị”, “cậy quyền” để ép đối phương – liệu có tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến các bạn trong lớp? Có lẽ cũng vì nể sợ bạn lớp trưởng này mà không ai dám đi báo thầy cô?
Thứ ba, khi xem clip, ta thấy có một khoảng thời gian trống nhóm bạn không đánh, nhưng cô bé bị đánh cũng không bỏ chạy hay có ý định bỏ chạy. Điều này cho thấy, kỹ năng tự vệ của nạn nhân hoàn toàn không được trang bị, thụ động chịu trận.
Thứ tư, sau khi hứng trọn cơn thịnh nộ của đám bạn, cô bé cũng không phản kháng: không dám kể với cha mẹ, không mách thầy cô – điều mà theo lẽ thông thường nếu bị đánh, học sinh sẽ mách người lớn. Cần phải xem xét lại tính cách của bạn lớp trưởng này, cách bạn này “quản lý” bạn cùng lớp và môi trường của lớp học đó.
PV: Đây không phải là lần đầu tiên những việc như thế này xảy ra, nhiều người lo ngại việc giáo dục đạo đức học đường đang thực sự có vấn đề?
ThS. Lê Thị Lan Anh: Đạo đức học đường là một phạm trù rộng, tôi không bàn ở đây, nhưng việc tổ chức đánh hội đồng hay tham gia vào đánh hội đồng – chứng tỏ tâm lý a dua, hiếu chiến manh nha trong học trò từ rất sớm.
Người bị đánh mà không phản kháng lại là thiếu kỹ năng tự vệ.Người chứng kiến bạo lực nhưng không dám can ngăn là thiếu trách nhiệm và có phần vô cảm, bên cạnh tâm lý sợ bị trả thù.
PV: Vụ việc xảy ra vào ngày 10 và 13/1/2015 tại trường. Tuy nhiên, đến ngày 8/3 khi đoạn clip được tung lên mạng thì nhà trường mới hay biết. Cùng với đó là đề xuất đuổi học một số em trong nhóm học sinh tham gia đánh hội đồng, theo bà có phải là giải pháp tối ưu?
ThS. Lê Thị Lan Anh: Đuổi học chỉ là hạ sách. Tâm lý học trò lứa tuổi THCS biến động rất phức tạp, vì thế, nếu bị đuổi học, hậu quả sau đó người lớn khó mà lường được.
PV: Là một chuyên gia về giáo dục, theo bà giải pháp nào để hạn chế tình trạng bạo lực học đường hiện nay?
ThS. Lê Thị Lan Anh: Không có giải pháp nào tối ưu cho mọi đối tượng, nhưng với trường hợp cụ thể này, chúng ta có thể giúp học trò theo hướng nhân văn: Cho học trò tham gia các khóa học chuyên dành cho trẻ em như: khóa tu thiền định, khóa tu mùa hè, một ngày niệm phật, khóa học về tình yêu và sự sẻ chia, khóa học về lòng biết ơn… Gần đây, những khóa học này được các chùa tổ chức mang lại hiệu quả khá tốt trong việc tĩnh tâm, suy nghĩ tích cực cho học trò.
Tổ chức các buổi đi thăm trại trẻ mồ côi, người già neo đơn, bệnh viện… kết hợp với các chuyến đi là những giới thiệu ngắn gọn, ý nghĩa để học trò từng bước thấm dần sự sẻ chia, yêu thương và biết ơn.
Xây dựng các chương trình ngoại khóa để học trò được giao lưu, chia sẻ và gắn kết tình cảm bè bạn. Những hoạt động này biết là rất khó để làm, nhưng khi làm đến nơi đến chốn, hiệu quả sẽ rất lâu bền.
Mối quan hệ giữa thầy và trò cần thân thiết, gần gũi. Khi thầy cô tạo cho trò cảm giác Thầy cô là người bạn lớn của trò, chắc chắn sẽ không có việc: trò đánh nhau mà 2 tháng thầy mới biết.
Tóm lại, một môi trường giáo dục quá dập khuôn, quá nhàm chán, ít biến đổi, quá áp lực cũng là nguyên nhân khiến học rơi vào trạng thái tâm lý đè nén, ức chế và dễ bùng phát thành bạo lực. Muốn học trò sống hòa nhã, nhân ái thì môi trường sống phải luôn cho trẻ thấy được những giá trị nhân văn.
PV: Xin cảm ơn bà./.
Để lại một phản hồi