“Người Việt hung hăng hơn”: Phải chăng do giáo dục?

Trước những thông tin về 6.200 người nhập viện vì “ẩu đả” ngày Tết, “Hỗn chiến tại Lễ hội Thánh Gióng”, nhiều người không khỏi giật mình đặt câu hỏi: Phải chăng người Việt ngày càng hung hăng hơn?

Để phần nào lý giải về “sự hung hăng” này, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ThS Lê Thị Lan Anh, Viện phó Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt, xung quanh câu chuyện này.

Mấy ngày gần đầy, dư luận giật mình trước thông tin trong mấy ngày tết đã có hơn 6 nghìn người phải nhập viện, 15 người chết vì đánh lộn. Sang mồng 6 tết tại Hội đền Gióng lại diễn ra ẩu đả. Đọc những thông tin như vậy chị có suy nghĩ gì?

Không chỉ giật mình mà là đáng sợ. Đáng sợ ở đây không chỉ ở con số hơn 6 nghìn người nhập viện, 15 người chết (con số thực tế có thể còn cao hơn); mà là quan niệm ăn Tết, nhậu Tết đã ăn sâu bám rễ vào một bộ phận người dân Việt Nam. Ăn và nhậu bản chất không có gì xấu, nhưng nếu mượn cớ Tết để uống, để zô một cách vô tội vạ dẫn đến ẩu đả thì quá tệ.

Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc nhậu Tết, mọi người coi việc uống rượu, uống bia như là cách thể hiện sự yêu quý nhau, tôn trọng nhau. Buồn cười thật, tôi yêu anh, tôi quý anh đâu chỉ ở số lượng ly rượu, cốc bia tôi uống. Có cả trăm ngàn cách khác để chứng minh rằng yêu quý nhau đâu cần cụng bia, uống rượu.

Hay cũng có quan điểm uống được nhiều bia, nhiều rượu là thể hiện sự “trên phân” người khác, như là tài giỏi hơn người khác vậy. Đáng thương thay và đáng tiếc thay, quan điểm này vẫn tồn tại trong một bộ phận thanh niên mới lớn ở vùng nông thôn, các khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, thậm chí ngay cả các thành phố lớn.

Tết là kỳ nghỉ lễ – hiểu một cách đúng mức là thời gian chúng ta nghỉ ngơi sau một năm làm việc bận rộn, là những ngày đoàn tụ bên gia đình sau những tháng ngày cách xa. Việc cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên, hội tụ sẽ có giá trị thực sự nếu mỗi chúng ta sử dụng rượu bia một cách chừng mực. Chớ mượn rượu mà hại người, hại mình.

Phải chăng người Việt giờ hung hăng hơn?

Nói một cách chính xác: Không phải người Việt hung hăng hơn mà một bộ phận thanh niên mới lớn người Việt ngày càng hung hăng hơn, dễ bị kích động, dễ tự ái, thích thể hiện, coi cái tôi của mình cao hơn cả trời.

Ẩu đả tại Lễ hội đền Gióng (Ảnh Zing)

Phải chăng giáo dục hiện nay đang chưa chú trọng rèn đức cho học sinh?

Lại là giáo dục, mọi vấn đề trong xã hội nảy sinh, người ta đều quay lại với cái gốc của nó: Giáo dục. Xin thưa, đúng là “giáo dục tạo nên con người”, nhưng hiểu giáo dục ở đây phải hiểu trong môi trường đầy đủ: giáo dục trong gia đình, giáo dục trong trường học và giáo dục cộng đồng.

Giáo dục gia đình:

– Trong gia đình người trên dùng bạo lực: đánh, đấm, quát tháo, chửi bới…để nạt nộ, “dạy dỗ” trẻ – thì chớ mong có một đứa trẻ nền nã, khiêm cung và không hung hãn.

– Rất nhiều bố mẹ không biết rằng, 80% các bộ phim hoạt hình từ các kênh truyền hình nước ngoài hiện nay đều chứa đựng yếu tố bạo lực, phổ biến như: Tom & Jerrry, Siêu  nhân, Người nhện, 7 viên ngọc rồng… Điều này có nghĩa là, nếu bố mẹ “dụ” trẻ ngồi ngoan bằng cách xem hoạt hình thì một cách rất tự nhiên, trẻ nhiễm yếu tố bạo lực từ phim (cho dù bố mẹ không phải là người hung hãn). Những em bé này thường thích hua chân múa tay, biến mọi đồ chơi thành kiếm, súng, dao, sẵn sàng chĩa dao, súng về phía người đối diện như một cách đương nhiên để dọa nạt đối phương… Bạo lực và hung hãn cũng từ đây mà ra.

– Những thể loại game bạo lực, bắn, giết người nhan nhản – cũng là nguyên nhân “tạo ra” các thế hệ công dân @ hung hãn từ trong máu.

Đó chỉ là 3 trong số nhiều nguyên nhân mà nếu gia đình không tách trẻ khỏi các hoạt động trên, thì việc kỳ vọng có một công dân tương lai khiêm cung, không hung hãn chỉ là viển vông – trước khi nói đến giáo dục trường học.

Giáo dục trường học:

Trường học trước tiên phải là môi trường SẠCH BẠO LỰC thì mới mong sản phẩm – là học trò của mình không hung hãn. Tiếc là chưa có nghiên cứu hay thống kê nào đầy đủ về tỷ lệ trường học SẠCH BẠO LỰC ở Việt Nam, vì thế chúng ta không biết hiện nay ở nước ta có bao nhiêu ngôi trường nói KHÔNG với bạo lực. Chỉ biết rằng, đâu đó quanh chúng ta vẫn có nhưng chúng ta chỉ được biết khi những hiện tượng bạo lực đó được lên báo: thầy đánh trò, thầy tát trò trên bục giảng, trò đánh thầy ngay trong lớp, hiện tượng bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non… – Tất cả cho chúng ta thấy một thực trạng mà ở đó, mầm mống của hung hãn được tiêm nhiễm từ chính những người trưởng thành. Cho dù giáo trình đạo đức, giáo dục công dân có tốt đến mấy cũng trở nên vô nghĩa, khi chính người dạy lại thể hiện sự hung hãn trước học trò.

Giáo dục cộng đồng:

Đặt một giả sử môi trường giáo dục trong gia đình, trong trường học SẠCH BẠO LỰC, nhưng, hễ cứ bước ra khỏi nhà là thấy nhan nhản các quán game, những cảnh đánh lộn; ngó lên tivi là thấy máu mê, bắn giết; đọc báo thì thấy giết người, hãm hiếp, cướp của…, thì dù có cố gắng đến mấy, cha mẹ, thầy cô cũng không thể “một tay che cả bầu trời”. Những đứa trẻ của chúng ta rồi cũng lớn lên, làm sao có thể bắt trẻ không xem, không nhìn, không nghe…những điều xung quanh chúng.

Do đó, để xây dựng nhân cách một công dân có những tố chất đạo đức tốt, thì ngay từ bé, môi trường giáo dục – tôi xin nhấn mạnh là môi trường giáo dục quanh trẻ chứ không chỉ là phạm trù giáo dục hẹp trong trường học – rất quan trọng. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” – chúng ta cứ muốn ngọn đèn tỏa sáng nhưng lại không cho đèn khí oxy trong lành của trời đất thì làm sao ngọn đèn sáng được. 

Từ thực tiễn nghiên cứu giáo dục trẻ em, chị có thấy trẻ em bây giờ có hung hãn hơn không?

Với hơn 20 năm tham gia các hoạt động đoàn hội, trong đó có gần 10 năm làm nghiên cứu, tiếp xúc trực tiếp với hàng ngàn học viên trẻ từ mầm non đến Đại học; đào tạo hàng trăm học viên; tôi khẳng định rằng không phải tất cả trẻ em hiện nay đều hung hãn hơn.

Trẻ có sự hung hãn, hành xử bạo lực chỉ chiếm khoảng 3 – 6%, nghĩa là cứ 100 trẻ thì có khoảng 3 đến 6 trẻ có những dấu hiệu hung hãn, hay có các hành động bạo lực, sở thích bạo lực như: thích gươm kiếm, thích súng, thích các trò chơi đánh trận, sẵn sàng đánh lại người đối diện khi trái ý mình…

Nếu gặp trẻ em hung hãn từ nhỏ chị sẽ làm như thế nào?

Tôi sẵn sàng khuyên họ nên cho con tham gia các khóa học trị liệu tâm lý, các khóa học can thiệp càng sớm càng tốt. Ở Việt Nam, việc trị liệu tâm lý có vẻ còn rất mới với nhiều người, nhưng ở các nước phát triển, việc ai đó cần đến sự tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý là rất bình thường. Ví dụ: người phương Tây sẵn sàng trả tiền cho chuyên gia tâm lý khi họ ly hôn, khi đột ngột mất mát người thân, khi chứng kiến những cảnh bạo lực ám ảnh; hay như những người lính tham gia các cuộc chiến, nhiều người sau đó phải trải qua quá trình trị liệu tâm lý rất dài trước khi trở lại cuộc sống bình thường. Các bố mẹ thử nghĩ xem, trong khi người trưởng thành còn bị ám ảnh bởi những sang chấn tâm lý – vậy mà chúng ta lại cho con mình “chứng kiến” những cảnh bạo lực mỗi ngày (trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện khác nhau) thì khác nào gián tiếp đẩy trẻ vào cảnh bị tiêm nhiễm bạo lực, hung hãn.

Khuyên là vậy, phân tích là thế nhưng không phải ai cũng sẵn sàng cho con tham gia các khóa trị liệu tâm lý, các khóa học can thiệp để thay đổi hành vi. Thế nên, tỷ lệ trẻ nhiễm thói hung hãn, thích bạo lực vì thế ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng.

Là người nghiên cứu về giáo dục trí tuệ trẻ em, chị có kiến giải gì để giảm bớt tình trạng trẻ em nhiễm tính hung hăng từ nhỏ?

Nhiều người quá đổ lỗi cho giáo dục trường học, rằng con hư là do thầy cô không biết dạy. Nhưng, cổ nhân có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” để nói rằng: Nhân cách, thói quen, hành vi của trẻ bị ảnh hưởng từ những người thân gần với trẻ nhất – trước khi bước vào bất kỳ trường học nào. Thế nên, để hạn chế thói hung hăng, bạo lực ở trẻ cần sự vào cuộc của toàn xã hội:

Gia đình:

Gia đình, trong đó đặc biệt là bố mẹ cần có biện pháp dạy trẻ phù hợp nhất. Bố mẹ hãy đóng vai trò là Người Bạn Lớn của con, cùng trưởng thành với con – chứ xin đừng lấy quyền làm cha, làm mẹ mà phê phán, quy chụp, nhiếc móc, mắng mỏ, đánh đập trẻ.

Làm bạn với trẻ không khó, những tài liệu hướng dẫn trên mạng rất nhiều, các khóa học dành cho cha mẹ cũng không hiếm – bố mẹ hãy trang bị cho mình vốn tri thức căn bản để không chỉ nuôi khỏe mạnh mà còn trao truyền cho trẻ những thói quen tốt, hun đúc những hành vi tốt, ứng xử đẹp. Bố mẹ phải bắt đầu từ suy nghĩ làm bạn với con một cách tích cực, KHÔNG BẠO LỰC – vì: suy nghĩ quyết định hành động, hành động tạo nên thói quen, thói quen hình thành tính cách và tính cách quyết định số phận cuộc đời bất kỳ ai.

Lời khuyên trên tôi dành cho phụ huynh không phải sáo rỗng. Những điều này được đúc kết từ chính kinh nghiệm 3 năm làm công tác đào tạo, can thiệp, trị liệu cho nhiều trẻ, nhiều gia đình thành công.

Giáo dục trường học

Cần và rất cần tăng cường các khóa học kỹ năng sống thực hành ứng dụng. Thực hành ở đây là nhấn mạnh yếu tố cho trẻ cơ hội tự làm, tự trải nghiệm các tình huống khác nhau trong cuộc sống – chứ không chỉ học lý thuyết suông.

Ví dụ đơn giản để hiểu hơn ý này: Chúng ta ai cũng biết câu “Công cha như Núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” – nhưng, rõ ràng là khi chưa làm cha, làm mẹ, chúng ta vẫn không hiểu hết ngọn nguồn ý nghĩa so sánh công cha với núi Thái Sơn là gì, nghĩa mẹ với nước trong nguồn ra sao. Chỉ khi đứng trong hoàn cảnh thực tế, nghĩa là khi làm cha, làm mẹ – mỗi người mới thấm nhuần ý nghĩa lớn lao đó. Cũng trong hoàn cảnh làm cha làm mẹ, thêm một lần nữa, chúng ta hiểu tầng sâu sa câu “có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”.

Trường học hiện nay đang yếu, nếu không nói là thiếu trầm trọng các khóa học kỹ năng sống thực hành ứng dụng – học từ trải nghiệm thực tế này. Vì vậy, trong điều kiện có thể, bố mẹ nên cho con tham gia các khóa học trải nghiệm để trẻ có cơ hội sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ đó tự rút cho mình các bài học nhất định.

Từ phía xã hội:

Nếu ngày nào, mỗi khi ra ngoài đường, chúng ta còn nghe thấy những tiếng rao bán báo sặc mùi bạo lực như: giết người, chặt tay, hiếp dâm, cướp tiệm vàng, ngoại tình, tạt a-xít…; ti vi đầy rẫy những bộ phim hành động, bạo lực, bắn giết; hàng xóm cãi lộn, đánh nhau… thì ngày ấy, nguy cơ con trẻ ngày càng hung hãn cũng chẳng có gì lạ.

Xin cảm ơn chị!

Hồng Chuyên (thưc hiện)
Theo Infonet.vn – 
http://infonet.vn/nguoi-viet-hung-hang-hon-phai-chang-do-giao-duc-post158942.info

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.