Trẻ nghĩ thẳng, bố mẹ “bẻ cong”
Câu chuyện của một cô bé lớp 4, em chia sẻ ước mơ được làm bác sĩ và được gia đình rất ủng hộ, khích lệ. Vậy nhưng, những điều tốt đẹp cô con gái hình dung về ước mơ của mình như bác sĩ phải giỏi, để cứu được nhiều người lại bị bố mẹ vùi dập tơi tả.
Thay vì đồng tình và khuyến khích những suy nghĩ tích cực đó, bố mẹ em lại chê con dại và “nhồi” cho con suy nghĩ làm bác sĩ là để kiếm được thật nhiều tiền, để cho sướng tấm thân.
Chỉ một thời gian sau, cô con gái đã… từ bỏ ước mơ làm bác sĩ, chuyển sang ước mơ làm giáo viên mầm non. Cả nhà lại có dịp chê bai đủ thứ về ước mơ của con nào là “nghề lỗi thời”, “nghèo rớt mồng tơi”.
Tư duy tích cực trong mọi vấn đề của cuộc sống chính là động lực rất lớn cho mỗi đứa trẻ.
Trong buổi nói chuyện với phụ huynh tại TPHCM về chuyên đề dạy con, ThS Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) kể bà đã từng tiếp cả đại gia đình gồm ông bà, cha mẹ tìm đến nhờ “cứu” đứa lấy đứa con nhỏ của họ vì cháu ước mơ làm lao công.
Họ bác bỏ hết những suy nghĩ tích cực của con là muốn đường phố không còn rác, mọi người được tận hưởng không khí trong lành. Họ lo lắng con mình ước mơ như vậy thì xem như… tàn đời nên phải làm mọi cách để “lái” con sang ước mơ khác.
Bên cạnh việc “bẻ cong” những suy nghĩ tốt đẹp của trẻ, bố mẹ còn dễ mắc phải sai lầm là khi biết ước mơ của con liền cười “ồ” lên ước mơ đó hoặc cười chính đứa trẻ. Kiểu như, học hành như con thì làm bác sĩ nỗi gì, vẽ như mèo mà đòi làm họa sĩ, béo ú mà đòi làm diễn viên múa…
Đừng triệt tiêu tư duy tích cực của trẻ
Với mọi ước mơ của trẻ, bà Lan Anh nhấn mạnh, sẽ thay đổi theo thời gian, phụ huynh đừng vội vàng dùng suy nghĩ của mình để “bóp nghẹt” ngay những điều con chia sẻ, nhất là những tư duy tích cực. Như vậy, vô tình bố mẹ đã áp đặt những tư duy tiêu cực cho con, rất nguy hiểm. Phụ huynh nên khích lệ, trao đổi với con để thực hiện ước mơ đó con sẽ cần phải làm những gì.
Ví dụ, một đứa trẻ ước mơ làm phi công đừng vùi dập bằng cách cười chê làm sao con làm nổi mà đây là cơ hội để nói với con làm phi công con cần những yếu tố gì? Cần học tiếng Anh, cần chiều cao, cần giao tiếp, cần sức khỏe… Đó chính là cách giáo dục đánh vào cảm xúc.
Một chuyên gia giáo dục nhấn mạnh, đối với mỗi con người ước mơ cực kỳ quan trọng. Ngay cả lúc đường, có thể mất tất cả nhưng vẫn cần có ước mơ. Nhất là với trẻ nhỏ, có ước mơ cho thấy các em có niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống, rất cần được khích lệ. Một khi người lớn “giết” đi ước mơ của các em thì những mong muốn thành quả về học tập, về thành công sẽ rất khó đạt được kết quả tốt.
Đành rằng, trẻ cần được biết những khó khăn, những thực tế trong cuộc sống nhưng là để nhằm rèn luyện ý chí, khắc phục, có cái nhìn đa chiều về mọi vấn đề. Nhưng người lớn lại thường lôi ra khó khăn để làm các nhụt chí, bi quan.
Theo bà Lan Anh, giáo dục của chúng ta nặng về tâm lý thụ hưởng. Từ nhỏ, trẻ em chúng ta được tiếp nhận đất nước “rừng vàng biển bạc”, khác hẳn về trẻ em Nhật Bản được nghe “tài nguyên” của nước mình là động đất và sóng thần để bết cách khắc phục, sống chung.
Hơn nữa, chúng ta quá coi trọng giáo dục tri thức mà bỏ quên việc giáo dục đánh vào trí tuệ cảm xúc – phương thức giáo dục có khả năng khích thích sự ham học hỏi, khát vọng cho mỗi đứa trẻ rất lớn. Đặc biệt là hướng các em đến những tư duy tích cực trong mọi vấn đề của cuộc sống.
Để khơi gợi “mảng” trí tuệ cảm xúc cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý: |
-Không tập trung vào khuyết điểm của con
-Cần hiểu rằng quá trình phát triển hiện tại chỉ là tạm thời
-Không quá cầu toàn với con cái
-Tuyệt đối không so sánh trẻ với người khác
-Đừng quá xem nặng thành tích ở trường học
– Trao cho trẻ quyền được làm, được thể hiện mình, được bày tỏ suy nghĩ để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực
ThS Lê Thị Lan Anh
Hoài Nam
Để lại một phản hồi