Chia sẻ với TG&VN nhân dịp 20/11, Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh (Viện trưởng Viện Giáo dục IEDV) cho rằng, gia đình chính là “trường học” đầu tiên và cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con mình.
Nghề giáo là một nghề đặc biệt bởi tạo ra sản phẩm là những con người không chỉ giỏi giang về năng lực mà còn phải có nhân cách. Do đó, xã hội đòi hỏi ở người giáo viên một phẩm chất đạo đức và năng lực tương đối cao. Từ quan điểm cá nhân, chị suy nghĩ thế nào về vai trò của nhà giáo trong thời đại ngày nay?
Vai trò của người thầy trong thời kỳ nào cũng vô cùng quan trọng. Đúng như câu “không thầy đố mày làm nên”, dù ít hay nhiều, trong suốt cuộc đời mình, trong chúng ta, ai cũng bị ảnh hưởng bởi những người thầy giỏi. Có người học trò bị ảnh hưởng bởi cái tâm của thầy; có người thuyết phục ta ở cái tầm, cũng có những người thầy ghi dấu ấn mãi với học trò ở tài thao lược. Ở lăng kính nào, người thầy hội đủ tâm, tầm, tài mãi mãi được học trò kính quý, yêu thương.
Ngày nay, khi giáo dục nhân loại đang phát triển ở tầm cao mới, hơn bao giờ hết, những người thầy lại càng bị áp lực từ nhiều phía, trọng trách nghề trên vai càng nặng. Làm sao để xoay sở cuộc sống gia đình với đồng lương quá thấp mà áp lực lại quá nhiều? Làm sao để cân đối thời gian giữa dạy trò, chăm con và kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống? Làm sao để yên tâm công tác khi cứ phải “kiễng chân” đón những thay đổi của ngành giáo dục?
Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh. (Ảnh: NVCC) |
Trong lịch sử đất nước, tôi cho rằng đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của nghề giáo. Một mặt phải học để đáp ứng nhu cầu thời đại. Một mặt vẫn phải lo toan cơm áo gạo tiền khi mà lương tăng cấp số cộng mà mọi thứ khác tăng theo cấp số nhân.
Áp lực xã hội, áp lực thời cuộc, áp lực từ phụ huynh, áp lực từ trong dồn ra, từ ngoài táp vào nhà giáo. Khó khăn là thế, nhưng tôi cũng như hàng chục triệu người cha, người mẹ khác vẫn luôn nhìn vào giá trị tích cực của các chính sách đổi mới, các thế hệ thầy cô tài năng – những người sẽ góp phần kiến tạo nền giáo dục đất nước hưng long, thịnh vượng.
Bên cạnh giáo dục nhà trường thì giáo dục gia đình hết sức quan trọng. Vậy các bậc cha mẹ cũng chính là những “nhà giáo không cầm phấn”?
Không phải bây giờ chúng ta mới thấy tầm quan trọng của giáo dục gia đình. Từ xưa, trong thế “chân vạc” giáo dục con trẻ bao gồm: “Gia đình – nhà trường – cộng đồng”, thì gia đình đã được nhắc đến và trở thành một nhân tố tất yếu.
Gia đình chính là “trường học đầu tiên” và cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con. Trong “trường học gia đình”, chúng ta được học từ cha mẹ cách ăn, cách nói, cách đi đứng nói cười, học văn hóa, hành xử, định hình thói quen, nếp nghĩ… Điều này được ngầm mặc định trong cách xưng hô xưa, bên cạnh cách gọi cha là bố/ba, thì có một thời kỳ, con thường gọi cha là thầy. Hoặc như quan điểm, dạy con làm sao để “con hơn cha là nhà có phúc” cũng khẳng định vai trò của gia đình trong giáo dục con.
Cũng nhờ giáo dục gia đình, nhiều người hiền tài được dung dưỡng, kế thừa và có tư duy phát triển hơn các bạn đồng lứa. Nhìn vào hành xử của một đứa trẻ, ta có thể thấy một phần văn hóa gia đình đó.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò của giáo dục trường học và cộng đồng. Tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa, để kiến tạo một “sản phẩm” giáo dục, đặc biệt là con người, chúng ta không thể phó mặc toàn bộ cho nhà trường.
Việt Nam có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Vì thế, câu nói “trăm sự nhờ thầy” khiến nhiều người lầm tưởng rằng, 100% thành công của học trò là “nhờ thầy, nhờ trường”. Con có lỗi là ngay lập tức đổ lỗi cho thầy, cho cô, cho trường mà quên mất rằng, đâu đó trong sai lầm của con, có một phần không nhỏ trách nhiệm của cha mẹ. Có một cuốn sách mang tên “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt” phản ảnh khá rõ quan điểm này.
Chị có thể kể cụ thể về phương pháp giáo dục ngay trong gia đình mình?
Đối với tôi, cha mẹ là những người thầy đầu tiên. Mẹ tôi được ông bà ngoại dạy bảo rất chỉn chu nên từ bé, chúng tôi đã được mẹ uốn nắn cực kỳ nghiêm cẩn. Mẹ chỉ dạy từ điệu ngồi, dáng đứng, nếp đi, ăn phải từ tốn, nói phải có kính ngữ. Mẹ dạy đối nhân xử thế sao cho chan hòa, ấm êm từ gia đình nhỏ đến đến bà con làng xóm, từ nội tộc họ hàng đến quan hệ trên dưới, thân sơ.
Mẹ tôi thường bảo: “Ngay cả bây giờ, khi con đã là Viện trưởng thì trước mẹ, con vẫn chỉ là đứa trẻ. Nhất định không được thỏa mãn với danh vị, phải luôn học hỏi để trưởng thành, sống chan hòa với những người xung quanh”.
Mỗi lần có thời gian, mẹ lại to nhỏ: “Con người là vốn quý. Con nhớ giúp đỡ các anh chị em đồng nghiệp, giúp họ phát triển cũng chính là giúp mình”. Mẹ tôi chưa từng làm lãnh đạo, mẹ chỉ dạy bằng sự chiêm nghiệm, giản dị đời thường vậy mà thấm từng câu, từng chữ.
Những điều bố mẹ dạy, chắt chiu theo tháng ngày, không biết đã thẩm thấu trong tôi tự bao giờ, nó trở thành mạch nguồn văn hóa, lối sống và kết tụ thành tôi của ngày hôm nay. Bất cứ khi nào tĩnh tâm ngồi ngẫm, tôi luôn thấy trong mỗi hành xử của mình, mỗi bước ngoặt cuộc đời đều có đâu đó sự hòa quyện của cả mẹ và cha.
Không chỉ cho tôi một gia đình trọn vẹn, bố mẹ còn gom góp bao yêu thương để chúng tôi ước mơ kiến tạo cuộc đời, cho chúng tôi sống trong cái nôi văn hóa hòa ái. Hơn hết, cho chúng tôi được học cách làm người.
Đâu có món quà nào đáp đền đủ ơn nghĩa sinh thành và công lao của người thầy lớn? Đóa hoa lớn nhất dâng thầy không phải hướng dương hay cẩm tú cầu, món quà khiến người thầy hạnh phúc và tự hào nhất chính là sự trưởng thành của học trò. Bài học làm người bắt đầu từ những điều gần gũi, trải bao thăng trầm, tôi thấy vẫn luôn cần phải học…
Trong bất kỳ thời đại nào, vai trò của người thầy luôn quan trọng và không thay đổi. (Nguồn: giaoduc) |
Theo chị, trách nhiệm của gia đình ra sao để giúp trẻ trở thành những cá nhân sống tự lập, tự chủ trong tương lai?
Tôi đã từng chứng kiến nhiều bậc cha mẹ, ông bà than thở rằng con cháu họ lười làm, ỉ lại, sống luộm thuộm, hời hợt và vô trách nhiệm. Tìm hiểu ra thì thấy, lỗi đó không hoàn toàn do trẻ gây ra, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một em bé như vậy. Một trong số đó là bố mẹ hoặc ông bà từ nhỏ thường làm hộ trẻ, chưa hướng dẫn trẻ tự làm đến mức thành thục, hay quát mắng.
Tôi được biết nhiều bậc phụ huynh còn “oánh đòn phủ đầu” kiểu như: “sao con luộm thuộm thế?”; “con chẳng biết làm gì cả”; “sao con hay quên vậy?”; “mẹ chán con lắm. con là đứa trẻ hậu đậu, làm đâu hỏng đấy”; “suốt ngày ipad với tivi, không được tích sự gì”; “con nhà tôi nhát lắm, nó chẳng có đứa bạn thân nào, suốt ngày ru rú trong nhà”…
Có khi nào chúng ta – những người làm cha, làm mẹ nhìn lại xem mình đã sai ở đâu trong quy trình, phương pháp dạy con? Những câu “oánh đòn phủ đầu” kia có phải là sự phủ nhận sạch trơn mọi nỗ lực của con không? Nếu không có ipad, iphone thì làm sao con nghiện game? Chúng ta đã kiên trì khích lệ, ghi nhận từng nỗ lực nhỏ của con để giúp con tự tin hay chưa? Chúng ta mất bao nhiêu thời gian để thành thục một kỹ năng rửa bát, cớ sao bắt con dăm ba lần phải làm sạch ngay?
Tôi rất ấn tượng với quan điểm của Jean Jacques Rousseau (Pháp) rằng: “Dạy dỗ trẻ nhỏ là một nghề nghiệp mà chúng ta phải biết cách lãng phí thời gian để tiết kiệm nó”. Vì vậy, muốn một đứa trẻ sống độc lập ở ngày mai, ngay từ hôm nay, hơn ai hết, gia đình cần giúp con tự làm từng việc nhỏ nhất trong gia đình.
Xin cảm ơn Thạc sĩ!
Theo TG&VN: http://baoquocte.vn/cha-me-la-nhung-nha-giao-khong-cam-phan-60976.html