Trưa nay, sau khi xem clip về việc trẻ mầm non bị xâm hại, đánh đập của báo Tuổi Trẻ, tôi bị sốc toàn phần. Giống như bao người mẹ khác, cảm giác ức nghẹn sâu tận tim gan. Tôi chợt giật mình nghĩ đến con gái mình, cũng hơn 3 tuổi, nếu không may cũng rơi vào hoàn cảnh đó (nói dại) thì trái tim người mẹ này tan nát mất. Khủng khiếp quá, không dám nghĩ xa hơn, kiên nhẫn xem hết dù xem đến đâu, máu dồn lên não tới đó.
Cư dân mạng rất bức xúc, thậm chí phẫn nộ trước hành động của 2 bảo mẫu. Hành động của họ bị gọi bằng các cụm từ: thú tính, vô nhân tính, độc ác, quỷ đội lốt người… Tôi thấy mình cần phải làm “một cái gì đó” giúp các bậc cha mẹ “phối hợp cùng con” để không bị rơi vào thảm cảnh này. Đơn giản thôi, bố mẹ chỉ cần hỏi đúng cách, sẽ biết con có bị bạo hành hay không.
1)
Buổi sáng, trước khi đưa con tới lớp, bố hoặc mẹ hãy dành 10 phút để trò chuyện cùng con (với trẻ đã biết nói), chơi với con, tạo cho con tâm lý thật thoải mái để con “tâm sự”, bố mẹ sẽ biết được những điều cần nghe thật dễ dàng. Bố mẹ hỏi con những câu tương tự như:
– Con ơi, mình chuẩn bị tới lớp rồi, ở lớp con thích trò chơi nào nhất?
– Con hay ngồi học với bạn nào?
– Cô giáo con yêu bạn nào nhất?
– Giờ thì chúng mình cùng tới lớp nhé!
Cách xưng hô thân thiết, gần gũi, coi trẻ như một người bạn nhỏ (chứ tuyệt đối không lấy QUYỀN LÀM BỐ MẸ để áp đặt lên con) giúp con có cảm giác an toàn, không sợ sệt, dám nói ra những điều mình nghĩ.
2)
Buổi chiều đón con về, bố mẹ cũng nên trò chuyện cùng con, hỏi con về chuyện trường, chuyện lớp bằng “ngôn ngữ trẻ nhỏ”:
– Mẹ kể cho con nghe nhé, hôm nay mẹ đi làm vui lắm, ở lớp con được chơi trò gì, con kể cho mẹ nghe đi (hỏi trò chơi trước để nắm bắt cảm xúc của trẻ)
– Thế chiều nay lớp con ăn cháo, phở hay cơm?
– Ở lớp con có bạn nào hư không?
– Những bạn hư, khóc nhè thì cô giáo phạt như thế nào?
– Cô giáo có đánh các bạn không?
Bố mẹ hỏi các câu khác nhau liên quan đến chủ đề ăn, uống, ngủ, chơi của trẻ theo cách hỏi “mé” – nghĩa là hỏi về các bạn trong lớp chứ không hỏi thẳng “con có bị đánh không?”. Có nhiều trẻ bị cô giáo đánh vì mắc lỗi, cô giáo dọa không được nói với bố mẹ… trẻ sẽ không dám “tâm sự” thật. Nhưng hỏi về bạn khác, trẻ sẽ dễ “trút bầu tâm sự” hơn.
3)
Trong quá trình nói chuyện, bố mẹ cũng kết hợp quan sát thái độ, cử chỉ, khuôn mặt, hành động của con (cách này cũng phù hợp với trẻ chưa biết nói) – đặc biệt là lúc giao con cho cô giáo và đón con từ tay cô. Những trẻ bị bạo hành, bị đánh đập rất dễ nhận biết bởi những biểu hiện như: nép vào cha mẹ, bám chặt cha mẹ không rời, không dám nhìn cô giáo, òa khóc chạy ôm mẹ khi mẹ tới đón, giật mình khi đêm ngủ, tự nhiên khóc thét lên, sợ bóng tối, không thích đến chỗ đông người, nhút nhát khi gặp người lạ…
– Khi thấy con có những biểu hiện đó, ngay lập tức bố mẹ cần “tâm sự” với con nhiều hơn, khơi chuyện hỏi con khéo léo hơn để trẻ nói cho bố mẹ biết thực hư con được dạy ở trường như thế nào. Có thể con chỉ bị phạt một lần khiến con ác cảm, có thể con đã bị đòn roi từ lâu mà cha mẹ không hay biết.
– Bước tiếp theo, bố mẹ cần nói chuyện trực tiếp với giáo viên, nói rõ những thất thường của con và hỏi cách cô giáo trách phạt các bạn trong lớp. Trong quá trình nói chuyện, “bắt sóng” thật nhanh thái độ, cử chỉ của cô, nếu thấy có gì đó không thật, lúng túng, lấp liếm thì tốt nhất bố mẹ nên tìm cho con một trường học khác. Đồng thời, cũng cần gặp trực tiếp Hiệu trưởng hoặc Chủ trường/người có trách nhiệm quản lý để nói rõ lý do và thực trạng của con.
Với cách nói chuyện với con như trên, bố mẹ có thể giải quyết được nghi vấn trong đầu: Con có bị bạo hành ở trường hay không? Câu hỏi có nội dung không quan trọng bằng cách hỏi, thái độ vui tươi, hào hứng khi nói chuyện với trẻ. Dùng ngôn ngữ trẻ thơ để nói với trẻ thơ.
Đây là liều thuốc “phòng bệnh” chứ không ai muốn rơi vào thảm cảnh này. Hãy share cho người thân, bạn bè của mình nếu bạn thấy nó thực sự hữu ích vì một xã hội KHÔNG BẠO HÀNH, NGƯỢC ĐÃI TRẺ THƠ.
HN, ngày 17/12/2013
Lê Thị Lan Anh
Để lại một phản hồi