(Zing.vn) Theo phó giáo sư Văn Như Cương, hình thức khảo sát năng lực đồng nghĩa thi tuyển. Ông lo lắng phụ huynh không hiểu rõ bản chất của IQ và EQ, sẽ đổ xô cho con đi luyện thêm.
Rơi vào luẩn quẩn
Ngày 15/4, Sở GD-ĐT Hà Nội họp về phương án các trường THCS tuyển sinh riêng, thống nhất hướng xét tuyển hồ sơ kết hợp đánh giá năng lực hoặc đo chỉ số IQ, EQ.
Phó giáo sư (PGS) Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng, hình thức khảo sát đồng nghĩa thi tuyển. Việc Bộ GD-ĐT cấm các trường thi môn Văn – Toán – Ngoại ngữ trong giai đoạn “nước rút” là vội vàng, gây hoang mang. Học sinh tiểu học bị áp lực, bởi những năm qua, các em chỉ học môn cơ bản.
PGS Văn Như Cương và học trò. |
Theo PGS Văn Như Cương, năm nay, số học sinh không phải thi vào lớp 6 chiếm khoảng 95% (tuyển theo tuyến). 5% còn lại sẽ khảo sát, thuộc về những trường chất lượng cao, dân lập có tiếng.
“Với mức độ tiểu số như vậy, Bộ GD-ĐT đưa ra lệnh cấm thi, xét tuyển theo hướng đánh giá năng lực là chính sách phức tạp. IQ và EQ là những từ ngữ khoa học chưa dễ tiếp cận. Phụ huynh và học sinh sẽ nghĩ, thi tuyển vào lớp 6 căng thẳng như đại học”, thầy Cương nhận định.
PGS Văn Như Cương đề xuất: “Khi chưa chốt phương án tuyển sinh, Bộ GD-ĐT nên bỏ lệnh cấm thi Văn – Toán – Ngoại ngữ. Các trường tự do thực hiện phương án tuyển sinh riêng. Nếu vẫn giữ nguyên phương thức cấm thi và đánh giá năng lực, Bộ nên lùi tiến trình thực hiện đến năm học sau. Nhà trường, phụ huynh và học sinh đều có phương án chuẩn bị”.
“Kiểm tra IQ và EQ nghiêng về chỉ số thông minh, không phải học giỏi. Để có năng lực tổng hợp cho trẻ, phụ huynh nên thường xuyên giao tiếp, trao đổi với con về mọi vấn đề trong cuộc sống. Bên cạnh đó, sách vở cũng là nguồn tài liệu phong phú”.
PGS Văn Như Cương
PGS Cương cũng cho rằng, việc thi tuyển lớp 6 sẽ tạo ra nhiều biến tướng và rơi vào vòng luẩn quẩn. Ông bày tỏ: “Tôi chắc chắn trong thời gian sắp tới, phụ huynh sẽ cho con đổ xô luyện thêm IQ, EQ. Các trung tâm đào tạo không kiểm định chất lượng sẽ mọc lên như nấm”.
Thử thách mới
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Tùng Lâm – hiệu trưởng tường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, cho rằng, cấm thi vào lớp 6 là chính sách đúng đắn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, ông trăn trở về cách thực hiện sao cho đúng, thời gian nào mới chấm dứt tình trạng dạy, học thêm.
Theo TS Lâm, việc kiểm tra IQ, EQ tạo ra thách thức mới cho các trường THCS. Thầy cô chưa làm quen, khó có thể tạo nên những bộ đề chuẩn.
Từ đây, thầy Lâm đề xuất, để có được năng lực toàn diện, đề bài cần yâu cầu sự sáng tạo bên cạnh IQ và EQ. Bộ GD-ĐT nên mời chuyên gia thảo luận, lập ra ngân hàng đề chung. Điều này giúp các trường không lo lắng, phụ huynh tin tưởng và đảm bảo kiến thức khách quan.
Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt nói, việc tuyển sinh theo hướng kiểm tra IQ, EQ đặt ra thách thức mới cho học sinh.
Bà Lan Anh chia sẻ, IQ và EQ là dạng bài đánh giá một phần năng lực của con người. Hiện nay, trên thế giới chưa có bất kỳ dạng bài thi nào trong 45 phút, hay 90 phút có thể kiểm tra toàn diện năng lực tư duy của học sinh. Vì thế, tham vọng về một bài thi dạng test IQ, EQ để đánh giá 8 loại hình thông minh của con người chỉ là viển vông.
IQ (chỉ số thông minh) và EQ (trí thông minh cảm xúc) nhằm đánh giá năng lực của con người, được nhiều nhà khoa học phát triển, ứng dụng.
Hình thức kiểm tra IQ và EQ đã có từ lâu trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chỉ số này mới được quan tâm trong vài năm trở lại đây.
Để lại một phản hồi