20 NĂM SỐNG TRONG NGẬP ÚNG, DÂN QUỲNH LÂM, CAM THƯỢNG BỊ “THẢ NỔI”

Khi nội thành Hà Nội có 1 vài con phố ngập nước, gần như ngay lập tức, các trang báo tràn ngập hình ảnh “phố cũng như sông”. Nghĩ mà thấy tủi cho người dân Quỳnh Lâm, suốt hơn 20 ngày qua, từ sau cơn bão số 1 đến nay, nơi đây bị ngập úng nặng nề mà…rất hiếm người hay biết, không một hình ảnh trên các trang báo. Ốc đảo đó chính là làng Quỳnh Lâm, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Nước phủ trắng hơn 200ha ruộng lúa, hơn 3km đường mất chỉ giới vì con nước đã “nuốt” trọn, nhiều cột điện xiêu vẹo, nguy hiểm; sân bóng, trường mầm non, UBND xã Cam Thượng biến thành ao, thời điểm nước lớn ngập tới 60cm. Không chỉ “đường làng biến thành sông” mà tất cả ruộng đồng, ao hồ đều chìm trong nước. Dân mất trắng vụ hè thu.

Thực trạng là thế, vậy dân sống ra sao suốt hơn 20 ngày qua?

1. Dân ăn gì?
Ngày đầu bị ngập, các bữa ăn tự cung tự cấp còn đủ gạo trong thùng, rau ngoài vườn, cá dưới ao, trứng gà đẻ. Dân cầm cự được vài ngày đầu, mưa vẫn lớn, nước rút chậm, bữa ăn bắt đầu cạn dần và “nghèo” đi. Nhiều nhà, bữa ăn hàng ngày chỉ có rau & cá (dân thả lưới bắt cá khu nước ngập sát nhà). Mệt mỏi và chán nản.

2. Dân di chuyển bằng gì?
Nước ngập bốn bề, đường làng thành sông, muốn di chuyển bằng đường bộ là không thể. Một vài gia đình có thuyền tự chế thì đa số chỉ có đàn ông chèo được, phụ nữ chỉ loanh quanh ở nhà. Chiếc thuyền nhỏ chòng chành giữa mênh mông nước, họ nhờ nhau đưa đến chợ mua rau, mua thịt cho nhà không có thuyền.
Người già đến ở nhờ nhà người trẻ để đỡ nấu nướng, cơm canh.
Trẻ nhỏ được gửi đến nhà người thân hàng tuần để không mất buổi học.
Cuộc sống của họ cũng tạm bợ, đơn độc như chiếc thuyền nhỏ xíu giữa đại dương.

3. Trẻ con học ở đâu?
Đương nhiên là học trong trường nhưng là ngôi trường mà sân đã biến thành ao, phụ huynh xắn quần tới bẹn cõng con vào lớp. Lớp học thì ẩm mốc, hôi hám, nhà vệ sinh càng dội càng dềnh phân lên. Làm sao đẩy phân xuống được khi hệ thống tiêu thoát nước cũng đang ngập úng. Nước ăn đi xin hàng ngày vì toàn bộ hệ thống bể ngầm của trường đã hòa trộn với nước cống rãnh, nước thải nhà vệ sinh: nồng nặc, hôi thối, đen ngòm.

Cực chẳng đã, không còn lựa chọn nào khác, cha mẹ vẫn phải gửi con hàng ngày. Than ôi, suốt hơn 20 ngày qua, thầy trò trường mầm non Cam Thượng đã phải sống hàng ngày như thế. Đến thời điểm hiện tại, nước đã rút bớt nhưng hệ quả của việc ngập nhiều ngày vẫn hiển hiện, bệnh dịch rình rập, đe dọa bùng phát bất cứ lúc nào. Đã ngập thì chớ, chiều và tối qua (1/9), cơn mưa lớn lại quật thêm Quỳnh Lâm phát nữa, nước lại dềnh lên, mùi hôi thối nồng nặc nhiều khu vực.

4. Dân có “than” không?
Than vãn, ai oán không biết bao mà kể bao năm qua. Có phải năm nay mới ngập đâu, trận ngập kỷ lục năm 2008 đã trắng xóa cả làng 2 tháng trời. Trận ngập úng năm nay cũng hơn 20 ngày, mức độ ngập chỉ kém 2008 khoảng 30cm. Đâu đó biết bao lời than: “Chẳng biết các cấp lãnh đạo có biết không? Sao dân làng Quỳnh Lâm khổ mãi thế?”. Người khác lại chép miệng: “Bao năm nay cứ đến mùa mưa bão là ngập mà có ai hay, kêu mãi cũng nản.”. Thời gian ngập úng hàng năm đâu có ít, tối thiểu cũng 2-3 tuần, có năm tới 2 tháng; kêu vẫn hoàn kêu, ngập vẫn hoàn ngập, dân nghèo vẫn hoàn nghèo.
Ai thấu???

5. Dân có được cứu trợ không?
Khi được hỏi câu này, người dân đều lắc đầu, phẩy tay cười nhạt: “Chúng tôi có thấy chính quyền xã gọi lên kê khai mức độ thiệt hại, còn có được đền bù không thì chưa biết. Cứu trợ thì không, à mà có 1 lần (lâu rồi), không biết bên nào cho 1 thùng mì, dân tôi bèn quyết định mang đến cho hộ nghèo nhất. Chứ cô nghĩ, 35 hộ dân bị chia cắt vì nước ngập mà chỉ có 1 thùng mì, chia sao nổi? Hàng năm, chúng tôi vẫn ủng hộ hàng loạt các quỹ này, quỹ kia, ủng hộ thiên tai vùng này, vùng khác; đến lượt chính mình bị nạn thì chẳng có ai ủng hộ gì.”
Chua xót.

6. Dân mong muốn gì?
Thứ nhất: Việc phải làm ngay & trước mắt:
– Rà soát lại toàn bộ khu vực ngập úng, tiến hành vệ sinh phòng dịch; đặc biệt là trường Mầm non xã Cam Thượng.
– Kiểm tra hệ thống chuồng trại bị ảnh hưởng bởi ngập, phát thuốc cho dân, tuyên truyền người dân phun độc, khử trùng. Nếu không làm rốt ráo, dân Quỳnh Lâm không chỉ mất mùa trắng mà còn mất trắng cả gia súc, gia cầm.

– Thu gom rác đang dềnh lên ở đầu làng và 1 số khu vực ngập quanh sông Tích để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt của người dân không bị ô nhiễm (Đa số người dân Quỳnh Lâm vẫn đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt chính là giếng khơi hoặc giếng khoan).

– Tiến hành cứu trợ khẩn cấp cho 1 số hộ khó khăn bị nước chia cắt nhiều ngày.
Thứ hai: Về lâu dài, đường phải được bê tông hóa và nâng cao cốt nền từ 60cm đến 1,4m (tùy từng đoạn), trong đó, có những đoạn đường liên xã đồng thời là đường đê bao ngăn nước giữa sông Tích và đồng ruộng. Hiện tại, do cốt nền đê bao quá thấp, hoàn toàn không có sức chống đỡ mỗi khi bão lũ.

Thứ hai: Việc làm chiến lược:
– Cần khẩn cấp nạo vét, khơi thông hệ thống dòng chảy sông Tích.
– Quy hoạch, xây dựng hệ thống tưới tiêu nội đồng, hệ thống tiêu thoát nước toàn xã tốt để lưu lượng nước không bị úng ngập nhiều ngày, gây thiệt hại trên diện rộng như những năm qua.

Tận mắt chứng kiến những thiệt hại của người dân, trực tiếp di chuyển trên chiếc thuyền tự chế giữa mênh mông nước, nhìn người dân bất lực trước con nước mà…tôi cũng bất lực. Những dòng chữ và hình ảnh này được viết lên, tha thiết hi vọng rằng sẽ được các cơ quan báo chí, đặc biệt là truyền hình vào cuộc, giúp người dân Quỳnh Lâm có được cuộc sống tốt hơn.


Quỳnh Lâm, 0h25’, ngày 03/9/2016

By Lê Thị Lan Anh
Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt.