Maria Montessori là nhà giáo dục, bác sĩ người Ý. Sau khi tốt nghiệp Đại học Roma, bà được giữ lại làm bác sĩ phụ tá chuyên khoa lâm sàng tại Viện Tâm thần của trường. Tại đây, bà đã miệt mài nghiên cứu phương pháp giáo dục trẻ chậm phát triển và đã trở thành hiệu trưởng của trường dành cho trẻ em chậm phát triển. Không lâu sau đó, bà tiếp tục học chuyên ngành tâm lý học, giáo dục học, triết học tại Đại học Roma và lập nên “Ngôi nhà trẻ thơ” đầu tiên.
Phương pháp giáo dục Montessori được hình thành trên cơ sở thực nghiệm, quan sát và nghiên cứu đã tạo nên sự thay đổi mang tính cách mạng cho nền giáo dục trên thế giới. Nhiều nhà giáo dục tại các nước như Anh, Mỹ và Đức đã dành nhiều lời ca ngợi về bà và phương pháp của bà như: “Montessori là một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất mang đến sự tiến bộ cho khoa học và được thế giới công nhận của thế kỷ XX.”; “Khi nói đến vấn đề giáo dục trẻ em giai đoạn trước khi đi học không thể không nhắc đến phương pháp Montessori.”; “Trong lịch sử nền giáo dục, những nhà giáo dục được mọi người biết đến như Montessori là không nhiều. Chỉ có duy nhất phương pháp giáo dục Montessori có thể vượt qua sự khác biệt về lãnh thổ, thế giới quan, tôn giáo để nhanh chóng được phổ biến trên thế giới.”.
Kể từ khi Montessori trở nên nổi tiếng đến nay, trẻ em khắp thế giới đã và đang tiếp nhận phương pháp giáo dục tự chủ hoàn toàn khác biệt với phương pháp truyền thống. Tác phẩm của bà đã dịch sang 37 thứ tiếng. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập Hiệp hội Montessori hoặc Tổ chức Đào tạo Montessori. Các trường học áo dụng một phần hoặc toàn bộ phương pháp giáo dục Montessori đã có mặt tại hơn 110 quốc gia. Tại Việt Nam, các lớp học cho trẻ em áp dụng phương pháp Montessori ngày càng được phụ huynh và các trường mẫu giáo yêu thích.
Sở dĩ phương pháp giáo dục Montessori có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống giáo dục trên thế giới là do bà dựa trên cơ sở đúc kết những tư tưởng giáo dục theo chủ nghĩa tự nhiên của Rousseau, Pestalozzi, Froebel để hình thành quan điểm về trẻ em mang tính cách mạng của riêng mình.
Bà cho rằng, từ khi sinh ra trẻ em đã có một “sức sống nội tại” rất tích cực và không ngừng phát triển.Nó mang trong mình sức mạnh vô biên. Nhiệm vụ của giáo dục là giúp trẻ em phát huy được “sức sống nội tại” đó để nó phát triển một cách tự nhiên và tự do theo một quy luật riêng.
Bà cho rằng, không nên đối xử với trẻ em như thể chúng là một vật thể, mà nên đối xử với chúng như con người. Trẻ em không phải cái kho để người lớn và thầy cô giáo nhồi nhét mọi thứ vào. Trẻ em không phải là sáp hoặc bùn để có thể nhào nặn tùy ý, không phải tấm gỗ có thể khắc gì lên trên cũng được, không phải cái cây để cha mẹ và thầy cô giáo vun trồng, cũng không phải loài vật được nuôi dưỡng. Trẻ em là người có sức sống, năng động, hoạt bát và luôn phát triển. Các nhà giáo dục, thầy cô giáo và cha mẹ nên quan sát và nghiên cứu trẻ em thật kỹ lưỡng, tìm hiểu thế giới nội tâm của chúng, phát hiện “bí mật thời thơ ấu”, phải yêu thương trẻ em, tôn trọng tính cách của chúng, giúp trí não, tinh thần, thân thể và tính cách của trẻ phát triển tự nhiên.
“Montessori là người đã cải cách hệ thống giáo dục trên toàn thế giới… là người phụ nữ dạy cho những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ biết đọc, biết viết. Phương pháp giáo dục của Montessori đã thành công đến nỗi nó được áp dụng ở khắp các nước trên thế giới, từ nơi xa xôi nhất ở phía đông bán cầu như Hàn Quốc, cho đến nơi xa xôi nhất ở phía tây là Honolulu, và cả nơi xa xôi nhất ở phía nam như Argentina…” – Nhật báo Brooklyn Eagle.
Theo: Phương pháp Montessori.