Theo Maria Montessori trẻ phát triển qua mấy giai đoạn? Và ở mỗi giai đoạn trẻ có sự thay đổi như thế nào?
Dựa vào tài liệu, quan sát và thực nghiệm tại “Ngôi nhà trẻ thơ”, Montessori đã đưa ra một loạt các quy luật có liên quan đến việc phát triển của trẻ em.
Giai đoạn 1: Quá trình phát triển của trẻ em có “giai đoạn phôi thai”. Con người có hai giai đoạn về sinh lý và tâm lý. Trong đó, giai đoạn phôi thai tâm lý chỉ có ở loài người. Thời kỳ mới sinh chính là sự bắt đầu của giai đoạn này. Đây là giai đoạn trẻ em tiếp nhận kích thích từ bên ngoài một cách vô thức để hình thành khả năng tiến hành các hoạt động tâm lý. Người lớn cần phải tạo môi trường tốt để đáp ứng nhu cầu nội tại của trẻ em, từ đó loại bỏ những yếu tố bất lợi đối với “sức sống nội tại” của trẻ.
Giai đoạn 2: Quá trình phát triển của trẻ em có giai đoạn nhạy cảm. “Chính bởi có tính nhạy cảm này mà trẻ em tiếp xúc với thế giới bên ngoài một cách hào hứng. Trong giai đoạn này, trẻ có thể học một cách thoải mái, luôn tràn đầy sức sống và luôn thấy thích thú.”. Qua quá trình quan sát, Montessori đã tổng kết được những giai đoạn nhạy cảm của trẻ em, vận dụng vào việc giáo dục, hướng dẫn và giúp đỡ trẻ em để tâm lý của chúng được phát triển bình thường, tránh tình trạng bỏ qua cơ hội, gây trở ngại đối với quá trình phát triển tâm lý của trẻ.
Giai đoạn 3: Quá trình phát triển của trẻ em có tính giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (từ 0 đến 6 tuổi) là giai đoạn hình thành tâm lý của trẻ em. Trong đó, từ 0 đến 3 tuổi là “giai đoạn phôi thai tâm lý”. Trong giai đoạn này, trẻ không có các hoạt động tâm lý có ý thức mà chúng chỉ tiếp xúc với thế giới bên ngoài một cách vô thức. Giai đoạn còn lại là giai đoạn hình thành tính cách, trẻ em chuyển dần từ vô thức sang có ý thức, khả năng ghi nhớ, hiểu và tư duy dần hình thành, mối liên hệ giữa các hoạt động tâm lý cũng từng bước được tạo nên, đặc điểm tâm lý tính cách cũng xuất hiện. Giai đoạn thứ hai (từ 6 đến 12 tuổi) là giai đoạn tâm lý trẻ phát triển tương đối ổn định. Giai đoạn thứ ba (từ 12 đến 18 tuổi) là giai đoạn có những thay đổi lớn và từng bước trưởng thành.
Giai đoạn 4: Trẻ em trưởng thành trong “công việc”: Montessori cho rằng, trò chơi sẽ dẫn trẻ em đến với thế giới mộng tưởng không thực tế, không thể hình thành tinh thần trách nhiệm với thái độ nghiêm túc, chăm chỉ, chính xác, thực tế và thói quen tuân thủ kỷ luật cho trẻ em. Công việc mới chính là hoạt động chủ yếu mà trẻ em thích nhất, chỉ có công việc mới có thể giúp trẻ có được khả năng làm mọi việc và giúp cho tâm lý trẻ phát triển toàn diện. Bà coi hoạt động sử dụng các đồ vật là “công việc”. coi hoạt động vui chơi là “trò chơi” và cho rằng, chỉ có “công việc” mới giúp trẻ em phát triển cả về tâm hồn lẫn thể chất. Sau khi quan sát và nghiên cứu, bà phát hiện ra rằng, trong khi làm việc, trẻ em rất thích và rất muốn có trật tự: chúng yêu cầu được làm việc độc lập, không muốn người lớn giúp đỡ quá nhiều. Trong khi làm việc, trẻ em muốn được tự do lựa chọn phương tiện làm việc, tự do quy định thời gian làm việc. chúng rất chuyên tâm, chăm chú vào công việc. Với những công việc có thể đáp ứng nhu cầu của trẻ, chúng có thể làm đi làm lại cho đến khi hoàn thành.
Theo: Phương pháp Montessori.