Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc đánh nhau giữa giáo viên và học sinh ngay trên bục giảng ở trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Clip đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều, trong đó tập trung vào việc lên án hành động của người thầy trong clip.
VOV online phỏng vấn Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) để có thêm góc nhìn của một chuyên gia, một nhà quản lý về giáo dục.
PV: Thưa bà, sau khi xem clip thầy trò ở Bình Định đánh nhau như trên võ đài, nhiều người thực sự sốc. Còn với cá nhân bà, bà cảm thấy như thế nào?
Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh: Thầy đánh trò mà tôi biết qua sách báo, lịch sử trước đây là hình ảnh thầy đồ nghiêm nghị cầm roi quất vào mông học trò để bắt trò phải chăm chỉ, phải chịu khó học. Nhưng, hình ảnh đó đã trở thành “lỗi thời” cho đến khi thầy tát trò trước lớp bằng thái độ không phải là “nghiêm nghị” vốn có của thầy đồ mà phần nhiều là “phản giáo dục”.
Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV) |
Với trò, hồi nhỏ, chúng tôi được dạy và luôn làm như sau: khoanh tay, cúi đầu, dừng lại để chào khi gặp thầy. Trong trái tim, khối óc non nớt của học trẻ, thầy rất đáng kính, đáng trọng, đáng quý chứ chưa bao giờ “manh nha” tư tưởng “dám đánh lại thầy” chứ chưa nói là “đánh thật”.
Mỗi thời mỗi khác, ngày nay, quan hệ thầy trò thân thiết, cởi mở hơn. Nhưng, không vì thế mà chúng ta đồng ý với việc thầy đánh trò và ngược lại.
PV: Không chỉ đến bây giờ, những vụ việc trái đạo lý thầy trò mới xảy ra, mà trước đó cũng có một số vụ như cô chửi trò tục tĩu ở Hải Phòng, thầy gạ trò… bà có cho rằng vấn đề đạo học đường hiện nay xuống cấp đến mức đáng báo động?
Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh: Học đường hay lĩnh vực nào cũng luôn có mặt trái, mặt phải. Sống trong một xã hội thông tin đa chiều đến mức Phẳng và hội nhập Đông – Tây như hiện nay, chúng ta phải chấp nhận tính 2 mặt của nó. Cái “mặt trái” ở đâu và thời nào cũng đáng báo động chứ không chỉ khi có sự việc xảy ra, khi vấn đề “nóng” mới “nổi còi”.
Gia đình là cái nôi định hình nhân cách của trẻ
PV: Clip này xuất hiện, dư luận thường chĩa mũi nhọn vào người thầy. Nhưng liệu trong việc này có trách nhiệm từ phía gia đình, khi mà nhiều người còn chưa thực sự quan tâm đến con cái, coi những “cậu ấm”, “cô chiêu” là cái rốn của vụ trụ, thưa bà?.
Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh: Tôi có thời gian làm việc trong môi trường dạy học trò nhỏ tuổi, cũng tiếp xúc nhiều với các bậc phụ huynh và vì thế, “bị” quen thuộc luôn với câu nói muôn thuở của đa số các bố, mẹ rằng: “Trăm sự nhờ cô giáo dạy bảo cháu”. Mấy chị giáo viên thân thiết với tôi hay lại đùa: “Em chỉ dám nhận một sự thôi, 99% là công sức của anh chị đó ạ!”.
Điều đáng nói là trong thực tế, nhiều gia đình “hoàn toàn phó mặc” con cái cho trường học, cho thầy cô. Họ mặc định trong đầu rằng, giáo dục con là việc của nhà trường. Con hư là bởi thầy cô không nghiêm. Con giỏi là do thầy cô dạy tốt.
Quan điểm đó rất nguy hiểm. Đúng là “giáo dục tạo nên con người”, song “giáo dục” ở đây phải được hiểu một cách trọn vẹn gồm: giáo dục trong môi trường gia đình (bố mẹ, ông bà, người thân…); giáo dục trong trường học và giáo dục cộng đồng (xã hội thu nhỏ xung quanh trẻ).
Trong tam giác giáo dục đó, gia đình đóng vai trò tiên quyết, là cái nôi định hình nhân cách trẻ đầu tiên. Chính bố mẹ – chứ không phải thầy cô – mới là người thầy đầu tiên, quan trọng nhất, xuyên suốt cuộc đời trẻ.
Con trẻ trưởng thành, sống trong môi trường mà bố mẹ có kiến thức, có kỹ năng, có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ tốt, có lối sống, ứng xử phù hợp (ở đây không bàn kiến thức xã hội, chuyên môn, học hàm hay học vị); thì trẻ sẽ có cơ hội định hình nhân cách, thói quen, lối sống và hành xử đúng mực và ngược lại.
Trường học là nơi dạy cho trẻ tri thức, kế đến mới là lối sống, nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn. Nhà trường, thầy cô có dạy tốt cỡ mấy, chương trình học có cải tiến hay cỡ mấy mà trong gia đình bố mẹ không làm gương cho con thì ít nhiều, trẻ cũng bị ảnh hưởng. ”Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là như thế.
Phải coi trẻ là một thành viên bình đẳng trong gia đình cả về nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm. Coi con là cậu ấm, cô chiêu, là cái “rốn của vũ trụ” là lỗi của gia đình trước tiên. Chính bố mẹ đã “đánh cắp” cơ hội để con trẻ được bình đẳng như tất cả thành viên khác. Lối ống ỉ lại, sức ì hoạt động, lười nhác, được cung phụng, được chiều chuộng không phải từ khi trẻ sinh ra đã có, nó xuất phát từ suy nghĩ và hành xử của người lớn.
PV: Nhiều người cho rằng, đây cũng là hệ quả của việc tuyển chọn vào ngành giáo dục một cách tràn lan, chưa thực sự tuyển được những người tâm huyết với một ngành đặc thù như vậy. Bà cho biết quan điểm của mình?
Thạc sỹ Lê Thị Lan Anh: Tôi được biết, ngành Giáo dục ở cấp nào cũng có chỉ tiêu cho từng trường, tuyển giáo viên nhiều hay ít tỷ lệ với số lượng học sinh. Nếu nói nguyên nhân là do tuyển dụng tràn lan, chưa thực sự tuyển được người tâm huyết thì không hẳn như vậy.
Phải nói một cách đầy đủ thì đó là hệ quả của một quy trình: Tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm thấp.
Học trong trường đại học chưa đi đôi với hành thể hiện ở việc giáo viên mới ra trường xử lý tình huống sư phạm còn non yếu; để cái tôi cá nhân quá lớn lấn át cả sự tôn trọng học trò, làm mất thể diện và uy tín bản thân.
Chất lượng đầu ra của giáo viên về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
Khả năng học chủ động, tự tìm tòi, trau đồi kiến thức chuyên môn của sinh viên (khi còn trong trường) và giáo viên (khi giảng dạy) còn rất chừng mực.
Đầu tư cho giáo dục sư phạm chưa thực sự tương xứng với vai trò của ngành.
PV: Xin cảm ơn bà./.