6 BÍ KÍP CHỌN TRƯỜNG MẦM NON ĐỂ GẮN BÓ LÂU DÀI & PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP BẢN THÂN TRÊN CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC

Trong 5 cấp học (Mầm non, TH, THCS, THPT & Đại học) thì mầm non là cấp học mà TẦN SUẤT NHẢY VIỆC, TỐC ĐỘ NHẢY VIỆC & NHU CẦU NHẢY VIỆC cao nhất. Nguyên nhân thì rất nhiều: từ phía nhà trường, từ chính giáo viên, từ phụ huynh, từ áp lực, từ việc không chịu được áp lực của giáo viên…
Vậy, làm thế nào để CHỌN ĐƯỢC TRƯỜNG ĐÁNG ĐỂ DẤN THÂN, làm thế nào để TRƯỜNG CHỌN ĐƯỢC NHÂN SỰ XỨNG ĐÁNG TRAO GỬI NIỀM TIN ==> bài viết này đề cập đến 6 bí kíp cho cả Trường (nhà tuyển dụng) và giáo viên (nhân sự được tuyển/nhân sự tìm việc).
1. Chế độ Lương/thưởng, BHXH, BHYT, nghỉ hè, phép, lễ, du lịch hàng năm phải rõ ràng, minh bạch; có nội quy/quy chế bằng văn bản cụ thể. Tất cả phải được truyền đạt đến 100% CBGV toàn trường.
– Với nhân sự mới: trước khi vào làm việc cần được phổ biến chi tiết, đẩy đủ để GV yên tâm công tác. Tránh trao đổi chung chung, mù mờ rồi GV mới hỏi GV cũ, tam sao thất bản, xì xào to nhỏ không hay. Minh bạch và rõ ràng ngay từ đầu là cách tốt nhất để cả 2 bên tiến tới mối quan hệ bền chặt, lâu bền.
– Ví dụ: Chế độ nghỉ phép trường Paris Montessori bên mình áp dụng theo đúng Luật Lao động là 12 ngày phép/1 năm hưởng nguyên lương. Trong đó được chia ra như sau:
+ 5 ngày nghỉ hè (vào tháng 6 hàng năm)
+ 7 ngày còn lại, các cô được chủ động xếp lịch nghỉ vào các tháng khi có nhu cầu hoặc việc gia đình cần thiết.
+ Chế độ hưởng nguyên lương trong các ngày lễ lớn, Tết… theo đúng Luật Lao động.
+ Mỗi năm có kỳ nghỉ hè riêng, du lịch biển hoặc du lịch núi tùy Công đoàn sắp xếp trên cơ sở mong muốn của CBGV.
+ Bên cạnh chế độ nghỉ mát mùa hè, ít nhất 2 tháng/1 lần, CBGV đều được tham gia các hoạt động dã ngoại, thăm quan những địa danh/di tích lịch sử đẹp cùng học sinh. Những chuyến dã ngoại sẽ rất hữu ích để CBGV hiểu thêm về những vùng đất mới, gắn kết thêm tình đồng nghiệp, kinh nghiệm chăm sóc trẻ ngoài trời, vốn văn hóa/hành xử văn minh nơi công cộng nhờ đó cũng tăng lên.
2. Chế độ ăn của GV tại trường:
Nghề mầm non mặc dù không phải dãi dầu mưa nắng, nhưng công tác chăm sóc trẻ nhỏ đòi hỏi GV phải hoạt động thường xuyên, di chuyển nhiều ==> tiêu hao năng lượng và dễ bị mất sức. Vì thế, trường nên có quy định về việc ăn tại trường một cách cụ thể, làm sao để GV có đủ năng lượng, đủ dưỡng chất trong thời gian làm việc.
Lan Anh xin chia sẻ cách mà trường Paris Montessori của chúng tôi đang áp dụng:
– Giáo viên được ăn 3 bữa tại trường: sáng, trưa, xế. Trong đó, bữa sáng/xế ăn theo chế độ học sinh. Các con ăn gì, cô sẽ ăn món đó, ăn nhiều hay ít tùy theo nhu cầu của cô, miễn sao cô cảm thấy đủ cho mình. Bữa trưa có thực đơn riêng, phù hợp với suất ăn và thực phẩm được chế biến cho người lớn.
– Các trường chưa có điều kiện hỗ trợ các cô ăn cả sáng/trưa/xế thì cũng nên hỗ trợ bữa ăn trưa 100%. Như thế, các cô không phải mang cặp lồng cơm đến, không phải lo dậy sớm nấu nướng lách cách mang theo.
3. Chính sách ưu tiên cho con CBGV:
Đây là những nội dung quan trọng giúp CGGV – đặc biệt là những cô có con nhỏ ưu tiên lựa chọn và gắn bó với trường. Xin chia sẻ đến Quý Thầy Cô một số chính sách mình đang áp dụng tại Paris Montessori:
– Con CBGV được giảm mức tối thiểu là 50% học phí/1 tháng. Với những CGBV có nhiều năm công tác, mức giảm sẽ tăng lên tùy theo thâm niên.
– Giảm 100% các khoản phí đầu vào cho con
– Giảm 30 – 40% tiền ăn cho con em CBGV
4. Chính sách học tập, nâng cao trình độ chuyên môn:
– Những GV có thái độ hành xử tốt, có đam mê và tâm huyết với nghề, mong muốn làm việc lâu dài sẽ được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Những nội dung đào tạo của Paris Montessori dành cho giáo viên gồm:
– Đào tạo phương pháp giảng dạy tích cực, thu hút và lôi cuốn học sinh
– Đào tạo kỹ năng giao tiếp & tư duy nghề giáo ==> NÂNG CHUẨN giáo viên theo xu hướng quốc tế.
– Đào tạo về tâm lý, giúp GV nắm bắt tâm lý, cách xử lý tình huống sư phạm khoa học, nhân văn, hòa ái với học sinh, với phụ huynh.
– Đào tạo kỹ năng sống, phong thái giảng dạy chuyên nghiệp. Quan điểm của Paris Montessori là: Giáo viên là nghề gieo mầm tri thức, định hướng sự phát triển xã hội ==> Vì thế, họ xứng đáng được tôn trọng, được trân quý. Muốn thế, không có cách nào khác là nhà trường cùng giáo viên phải không ngừng đào tạo, nâng cao năng lực bản thân, gọt rũa bản thân ngày càng hoàn thiện. Không thể bắt phụ huynh, học trò trọng chúng ta – nếu chúng ta không có gì đáng để cho họ trọng.
Bảo mẫu yêu cầu có thể không khắt khe như vậy. Nhưng giáo viên chắc chắn phải là lực lượng tinh hoa. Phải luôn ý thức để học và hướng đến tư duy, tâm, tầm tinh hoa. Trong giáo dục, sự xô bồ, qua quýt, nửa vời chính là giết chết sự phát triển của đất nước.
– Những giáo viên tốt, nhà trường sẽ bồi dưỡng để có cơ hội dạy thêm các môn: Kỹ năng sống, Toán thông minh cho học sinh để có thêm thu nhập ==> Nếu GV tâm huyết và muốn học. Như vậy, ngoài lương trong trường, GV sẽ có thêm nguồn thu nhập bên ngoài từ việc dạy chứ không cần buôn bán hay kinh doanh gì khác. Tập trung vào GIÁO DỤC & CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC ==> chúng ta hoàn toàn có thể sống tốt, sống đàng hoàng, sống đủ đầy với nghề.
5. Xây dựng môi trường văn hóa tổ chức, văn hóa trường học, văn hóa hành xử trên tinh thần: tôn trọng, hợp tác 6 bên cùng thắng (nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh & đối tác khác), sẻ chia, yêu thương, hòa ái, nhân văn và tử tế. Môi trường làm việc phải mang đến cho CBGV hứng khởi, khát khao cống hiến và yên tâm dấn thân bền bỉ với nghề. Đây là yếu tố văn hóa khó nhất mà không phải trường nào cũng đạt được. Chúng ta đều biết, 99,99% nhân sự trong ngành mầm non là phụ nữ; để tạo dựng được yếu tố văn hóa này, thực chẳng dễ dàng. Song, nếu làm được và làm thật triệt để, Lan Anh tin, không chỉ giáo viên muốn gắn bó lâu dài mà ngay cả phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con của họ.
6. Người lãnh đạo tâm – tầm – tài: Các cụ có câu “Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại”. Chọn trường để gắn bó cũng như chọn bất kỳ công việc gì ngoài kia, người lãnh đạo không giỏi, tâm thiển cận và tài yếu kém thì tuyệt đối không nên theo. Ít nhất họ không xuất sắc về chuyên môn thì phải có năng lực quản trị, phải có uy tín và trách nhiệm với tổ chức. Họ không giỏi quản trị nhưng phải có chuyên môn sâu, đáng để cho CBGV bên dưới học được – như một ngọn cờ tiên phong để họ dõi theo. Hay chí ít, họ quản trị chưa tốt, chuyên môn chưa sâu thì phải có tâm với nghề, có tâm với trẻ, có tâm với GV. Sợ nhất là làm việc trong ngôi trường mà người lãnh đạo tâm kém, tài yếu và tầm thấp.
Còn nhiều cách khác để kiến tạo một ngôi trường mà giáo viên tử tế nào cũng muốn trở thành hạt giống trong đó. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, Lan Anh xin chia sẻ 6 bí kíp trên. Đây là 6 bí kíp mà chúng tôi đã áp dụng từ khi Paris Montessori thành lập (2014) đến nay. Các Thầy Cô cùng chia sẻ thêm những cách làm của trường Thầy Cô nhé. Chúng ta cùng nhau trao đổi chuyên môn, Lan Anh tin, cộng đồng giáo viên mầm non sẽ ngày càng phát triển, đội ngũ giáo viên tinh hoa sẽ được tăng lên và đặc biệt, hệ thống mầm non tư thục sẽ phát triển thịnh vượng.
Với các cô giáo đang tìm việc, khi phỏng vấn hoặc trao đổi về chính sách, các cô căn cứ vào 5 bí kíp trên để tự phân định, đánh giá về ngôi trường mà mình dự kiến “đầu quân”. Trường có chính sách tốt chắc chắn là ngôi trường minh bạch thông tin, minh bạch chính sách & sẵn sàng chào đón các ứng viên đủ tâm, đủ tầm. Xin nói thêm, những ngôi trường này lại không bao giờ chào đón các ứng viên thường xuyên nhảy việc, đứng núi này trông núi nọ, làm việc tắc trách, hời hợt về chuyên môn, tư lợi và ỷ lại. Chuyên môn yếu kém có thể đào tạo, nhưng thái độ yếu kém thì phản ánh văn hóa kém – rất khó thay đổi. Xin đừng để dăm ba con sâu làm xấu hình ảnh của nghề, của biết bao ngôi trường ngoài kia đang nỗ lực làm rất tốt sứ mệnh của họ.
Trân trọng và hân hạnh gửi gắm tâm tư này đến Quý Thầy Cô!
Lê Thị Lan Anh
Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt
Chủ tịch Hệ thống Mầm non Paris Montessori School
==> Bài sau: BÍ KÍP ĐỂ TRỞ THÀNH GIÁO VIÊN MẦM NON MÀ BẤT KỲ TRƯỜNG NÀO CŨNG MUỐN NHẬN.