Ông tiên trong đời thực

GS – AHLĐ Vũ Khiêu chụp cùng gia đình GS Cảnh Khanh và chắt nội Minh Anh. Ảnh: GS Cảnh Khanh cung cấp

Nơi bậc đại trí thức, học giả uyên bác ấy, văn hóa phương Đông – phương Tây hiển thị sống động, ý vị qua phong thái, đời sống thường ngày. Nếp nhà gia phong bền sáng là nền tảng của cuộc đời tận hiến: Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu.

“Hai bàn tay trắng không vướng bụi
Một tấm lòng son ở với đời”.

(Câu đối của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng GS Vũ Khiêu)

Khi đương là Thủ tướng chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tặng GS – học giả, chuyên gia sáng tác những câu đối tuyệt hay câu đối này: “Triết gia trong Cách mạng – Nghệ sĩ giữa Anh hùng”.

4 con, 7 cháu, 9 chắt, đó là con số chính xác người ruột thịt của GS, nhưng chưa “chuẩn”, ông còn hàng chục con trai, con gái nuôi (nghĩa nam, nghĩa nữ) và nhiều cháu nuôi, nên các con đẻ của GS gọi đùa bố là “Lạc Long Quân”, vì số con – cháu nuôi lên tới trăm người. Năm 2011, tôi may mắn được ông nhận là cháu trước bàn thờ Tiên tổ, nơi biệt thự ông ở, khu Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tình yêu thương, bao dung độ lượng của ông mãi gây nỗi nhớ thương xúc động sâu sắc mỗi khi tôi nghĩ đến. Người mà NSND Hoàng Cúc vẫn gọi “Cụ là con trời, người cửa Thiên”, thường trực muốn vắt kiệt mình lao động, sáng tạo, không cầu muốn gì cho bản thân, chỉ biết dâng hiến, cho đi… suốt hơn trăm năm sống.

Vũ Khiêu – một tượng đài về trí tuệ, nhân cách, là một người hiếm biệt hoàn tất mọi vai; và ông đạt nhiều thành quả nhất: Vai người thầy. Ông là người thầy đầu tiên và suốt đời của các con mình. Chính bởi công lao và ảnh hưởng ấy, đại gia đình GS Vũ Khiêu êm ấm, mấy đời trí thức yêu nghệ thuật đều hòa thuận, tự giác theo nếp gia phong.

1. GS Vũ Khiêu và phu nhân Nguyễn Thị Quý (1919 – 1993) sinh dưỡng được 4 người con: Quỳnh Khanh (1944), Cảnh Khanh (1950), Vũ Hạ (1950), Hoa Thạch (1957), tất cả đều học hành chu đáo, có đóng góp đáng kể trong lĩnh vực của mình. Người con gái duy nhất, chị cả Quỳnh Khanh (chồng là nhà quay phim chiến trường thời chống Mỹ), sống tại TP Hồ Chí Minh từ 1976, quả phụ có 2 con, 3 cháu. Ba người con trai của GS đều sống tại Hà Nội. Đạt học hàm cao nhất là vợ chồng người con trai trưởng GS.TS Đặng Cảnh Khanh và GS.TS Lê Thị Quý.

Con trai duy nhất của GS Khanh là cháu nội trai duy nhất, đích tôn của của GS Vũ Khiêu – TS Đặng Vũ Cảnh Linh (1974). TS Cảnh Linh – con trai của Cảnh Khanh kết hôn với ThS xã hội học Đỗ Kim Anh, sinh hai con gái Minh Anh (gần 3 tuổi), Tuệ Anh (1 tuổi). Tự hào về bố và ông nội, song TS Cảnh Linh không núp bóng dựa hơi, thậm chí nhiều lúc giấu nhân thân đi, không phải do sợ chịu áp lực, so sánh, mà vì muốn độc lập, không cần sự ưu tiên, châm chước do quan hệ gia đình nhờ uy danh ông nội và cha. Anh nói: “Người ảnh hưởng trực tiếp tới tôi lớn nhất là bố. Và bố thì chịu ảnh hưởng nhiều từ ông nội. Dù là con độc nhất – cháu đích tôn, từ nhỏ tôi không hề được cưng chiều. Tôi tự lập sớm, tự học làm mọi thứ lo cho bản thân, từ việc nấu ăn đến kiếm tiền. Tôi giành học bổng của Liên Hiệp Quốc năm 2000 sang Bangkok 1 năm học Thạc sĩ. Trong công việc tôi là phó Viện trưởng, phó Tổng biên tập tạp chí Truyền thống và phát triển mà bố đứng đầu, nhưng bố mẹ tôi rất tôn trọng, không bao giờ quan hệ huyết thống để áp đặt. Chúng tôi là 3 nhà khoa học. Tôi học từ ông nội lẽ sống: 1/ Đam mê làm mọi thứ. 2/ Trách nhiệm với đam mê của mình. Mê, thích cũng phải làm hết sức, không tùy hứng, dây dưa, không dạo chơi”.

2. GS Vũ Khiêu – nhà văn hóa, nhà mỹ học tiên chỉ, mang tâm hồn nghệ sĩ tuyệt vời. Am tường Pháp văn, Hán văn, là “pho” Đường thi, Văn học trung đại Trung Hoa – Việt Nam, ông lại rất nhạy bén với các xu hướng sáng tạo hiện đại, sống với tâm thế trẻ trung, ủng hộ lớp hậu bối, coi trọng bạn vong niên. Ông hãnh diện về sự giàu bạn. Người con dâu trưởng của GS Vũ Khiêu tâm sự: “Tôi xuất thân gia đình Nho giáo, được giáo dục nghiêm túc trong việc tu dưỡng, giữ gìn nhân phẩm. Về làm dâu GS Vũ Khiêu, tôi coi đây là may mắn. Bởi trước khi là con dâu ông, tôi đã ngưỡng mộ, kính phục, là nhân viên hâm mộ Thủ trưởng. Cha mẹ chồng tôi không một lần to tiếng, cãi vã, họ cũng chưa từng hà khắc, buộc con phải làm thế này thế kia. Cứ nhìn cha mẹ mà tự giác học, làm theo. Tôi ảnh hưởng cha chồng, một nhà văn hóa lớn, nhà khoa học gương mẫu hiếm có. Tinh thần làm việc, trí tuệ uyên thâm, cách nhìn nhận, ứng xử của cha, luôn rộng lượng, hào phóng. Các con của GS Vũ Khiêu đều được hưởng gen thông minh, tinh tế, thích nghệ thuật, nhất là yêu tranh, âm nhạc. Chồng tôi còn say sưa văn học, làm thơ. Tôi từng ở cùng bố mẹ chồng 2 năm tại TP Hồ Chí Minh khi công tác tại đây, rồi gửi con trai ông bà nội khi sang Liên Xô làm Tiến sĩ. Tôi vẫn nhớ hồi sống chung với bố mẹ chồng trên căn phòng gác 2, tập thể Ủy ban KHXH 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, nhà chỉ 30m2 mà cha tiếp bao nhiêu vị khách danh giá của Việt Nam, thế giới. Tôi vừa nấu cơm vừa nghe, học cha nay lúc ấy, đấy là những giờ học quý giá. Tôi theo đuổi nghiên cứu về Giới, ngành riêng biệt với bố và chồng, rất vất vả vì gần như chỉ một mình thám hiểm lĩnh vực này từ đầu. Cha chồng tôi đã tạo không gian cho các con được tùy ý phát triển theo sở nguyện, được tôn trọng lựa chọn và lối đi, cách đi; được đặt lên cao sự tự lập, tự do trên cơ sở khuyên, định hướng tế nhị, ân cần. Bởi thế, với con và các cháu mình, tôi cũng dùng cách giáo dục của cha chồng tôi. Tôn trọng tự do ý nguyện, chúng tôi chỉ định hướng, khuyên, gợi ý”.

Con trai thứ GS Vũ Khiêu, kỹ sư Đặng Vũ Hạ, “tai nhạc” khá sành. Kỹ sự Hạ kết hôn lần đầu với ái nữ nhà họa sĩ Mai Long, có con gái Mai Ly. Ông đang sống hạnh phúc cùng người vợ sau, vốn là cô giáo dạy nhạc cấp 2 – Tuyết Minh, họ có một con gái Minh Hà (thạc sĩ Luật).

Con trai út của GS Khiêu là họa sĩ (HS) Đặng Vũ Hoa Thạch, vợ cũng là HS – Hà Khánh Lương – từng là chủ gallery Sông Hồng có tiếng trên phố Hàng Khay. Hai con gái của họ – Hoa Lam, Hoa Lê đều năng khiếu vẽ từ nhỏ, sang Paris du học hội họa, đã có việc làm ổn định, kết hôn và sinh con, định cư tại Paris. GS thường đặt tên cho con, các cháu, và được rất nhiều người nhờ đặt tên, xin chữ. Riêng với gia đình người con út hiền nhất ở cùng ông cuối đời, GS Khiêu ưu ái đặt tên cho chắt – con trai đầu lòng của Hoa Lam tên hay và độc đáo: Vũ Chiêu Dương (nghĩa là: Hội tụ ánh sáng mặt trời).

3. Ở đâu, dù chật mấy, nhà GS thường đầy màu xanh của cây và sắc hương hoa tươi. Bậc thầy của các bậc thầy, giáo sư của các giáo sư, viết trăm nghìn câu hay để lại cho đời, ông nhận được câu đối của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Hai bàn tay trắng không vướng bụi/ Một tấm lòng son ở với đời”.

Nền tảng gia đình, nếp nhà của GS Vũ Khiêu là một điển hình mẫu mực, đáng quý. Một năm nay, GS Vũ Khiêu sa sút sức khỏe, ông tĩnh dưỡng ở nhà, ngày ăn 5 bữa qua đường ống đưa thẳng vào dạ dày (theo hướng dẫn của bác sĩ) nhưng vẫn bút đàm với người thân và khách.

Sân nhà GS Vũ Khiêu, hè này thêm những chậu rau sạch muống, mồng tơi. Luôn coi trọng bữa ăn gia đình, sự sum vầy, ở đâu GS cũng cho trồng cây hòe, quế – biểu tượng gia đình đông vui; trúc, tùng, mai – tượng trưng tình bạn vẫn xanh, nở hoa trong giá rét. Nơi khu vườn có tượng đồng của GS ngồi an nhiên và tượng cẩm thạch trắng mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng 18.9.2013, dịp sinh nhật GS 97 tuổi.

Ông Vũ Khiêu của tôi, con người lớn lao trong vóc dáng gầy nhỏ đôi má hóp xương, bàn tay không còn nâng được ly rượu ưa thích, không còn cầm được bút để vẽ đường bút tài hoa, tinh diệu, chỉ viết được chữ thay lời trên những mảnh giấy, đã và vẫn chỉ nhận mình là “người hiền”.

Với tôi, người hiền Vũ Khiêu là một ông tiên trong đời thực!

VI THÙY LINH

Theo Báo mới: https://baomoi.com/ong-tien-trong-doi-thuc/c/26718708.epi