Chuyện vượt khó vươn lên của nữ Viện trưởng trẻ tuổi nhất Việt Nam

Năm 2015, khi mới 34 tuổi bà Lê Thị Lan Anh đã đi vào lịch sử khoa học khi được chính thức bổ nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt và được biết đến là nữ Viện trưởng trẻ tuổi nhất Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua mới thấy vinh quang rất nhiều nhưng khó khăn cũng không ít lần khiến nữ Viện trưởng này muốn chùn chân.

Từ một cô gái nhà nông trở thành Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt. Cô gái Lê Thị Lan Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo ở Hà Nội, tuổi thơ của cô là chuỗi ngày gắn bó với ruộng vườn và những công việc của một nhà nông thực thụ.

Dẫu vậy, ngay từ khi còn nhỏ cô nữ sinh ấy đã được thừa hưởng một nền giáo dục căn bản từ người mẹ vô cùng nghiêm khắc, cẩn thận và chỉn chu cùng một người cha hào sảng, quảng giao luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để con cái được ăn học đàng hoàng.

Nhờ sự quan tâm, chỉ bảo và dạy dỗ tận tình của cha mẹ cùng với sự cố gắng, nỗ lực quyết tâm học tập của bản thân, cô gái Lê Thị Lan Anh đã đạt được nhiều kết quả cao trong quá trình học tập ngay từ khi còn là học sinh cấp 1, 2.

Bước vào THPT, trong khi hầu hết bạn bè đồng trang lứa đều chọn học tại các trường công để tiết kiệm kinh phí và nhất là thỏa mãn quan niệm đã đi học phải học trường công thì cô gái Lan Anh lại chọn cho mình một ngôi trường dân lập có tiếng do người cha định hướng từ trước để theo học.

Vào những năm 1996-1997, các trường THPT dân lập ở Hà Nội không nhiều nên cô nữ sinh Lan Anh chuyển sang ngã rẽ dân lập là rất khác biệt. Chia sẻ về lựa chọn có phần “lạ đời” này, nữ Viện trưởng Lê Thị Lan Anh cho biết: “Tôi may mắn có một người bố hiểu biết, tâm lý, luôn cưng chiều và tôn trọng chính kiến của con gái. Bố tôi từng nói: “Bố mẹ không ngại vất vả, chỉ cần các con thích học và học tốt, bố mẹ sẽ đầu tư cho các con”. Trước khi nộp đơn vào trường THPT dân lập, ông cũng phân tích: “Đó là một ngôi trường có định hướng giáo dục hiện đại, có nhiều thầy cô là giảng viên giỏi từ các trường đại học về dạy. Học cùng người giỏi, con có nhiều cơ hội thành công hơn”.

Đúng như suy nghĩ, tại ngôi trường này cô nữ sinh Lê Thị Lan Anh đã được học với rất nhiều thầy cô giáo giỏi. Chính nền tảng đó cộng với sự nỗ lực, tinh thần ham học, bản tính thông minh, sáng tạo, nữ sinh Lê Thị Lan Anh đã đàng hoàng bước chân vào cánh cửa đại học ngay trong năm thi đầu tiên.

Đó là năm 1999, nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học, bên cạnh những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào về sự nỗ lực của cô con gái thông minh, là cả những giọt nước mắt lo lắng về tiền tài phía trước. Khoản học phí đại học trở thành gánh nặng của một gia đình thuần nông nghèo, tạo thành áp lực với cả gia đình và chính bản thân cô.

Tuy nhiên, với tài năng, sự chăm chỉ và nỗ lực không mệt mỏi, cô sinh viên Lê Thị Lan Anh hoàn thành 4 năm đại học một cách ngoạn mục – mà lúc bắt đầu tưởng chừng như không thể. Nửa ngày đi học, nửa ngày đi làm cộng tác viên viết tin, bài; Phát thanh viên cho Đài truyền thanh xã Mỹ Đình, tham gia phong trào Đoàn thanh niên, phụ trách mảng văn hóa thông tin, dẫn chương trình (MC)… là những công việc đã gắn liền với cô nữ sinh đầy nghị lực. Kinh nghiệm 4 năm làm thêm thời sinh viên đã giúp cô trưởng thành, vững vàng, bản lĩnh và tự tin hơn rất nhiều các bạn cùng trang lứa; cô đã tự lo được các khoản tiền chi tiêu căn bản, giúp bố mẹ bớt nhiều gánh nặng.

Tâm sự về quãng đời sinh viên làm nhiều hơn học, bận đến mức chẳng có thời gian để yêu, nữ Viện trưởng Lê Thị Lan Anh cho biết: “Đối với tôi, đó là 4 năm lịch sử không thể quên trong cuộc đời, 4 năm đó, tôi đã làm việc, học tập bằng 200% khả năng của mình. Mỗi ngày đều phải kiễng chân, gồng lên để bắt kịp việc học ở trường và hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan. Có những thời điểm việc học và công việc đều quá nhiều, sức có hạn, tôi cũng nản. Nhưng nhìn nhiều người xung quanh còn lam lũ hơn, còn không có việc để làm, nhìn thấy bố mẹ lao động cực nhọc mỗi ngày, tôi lại tự nạp nhiên liệu cho mình và bước tiếp. Tôi luôn biết ơn quãng thời gian này, vì nhờ vậy mà tôi được trau rèn ý chí quyết tâm, sống mạnh mẽ, bản lĩnh kiên cường và không chùn bước trước bất cứ khó khăn nào”.

Từ năm 2010 đến năm 2012 bà Lê Thị Lan Anh là giảng viên thỉnh giảng của trường Đai học Thăng Long trước khi chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu. Trải qua quá trình phấn đấu, cố gắng không ngừng trong công việc, năm 2012 ThS. Lê Thị Lan Anh chính thức được bổ nhiệm chức vụ Phó viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt khi bà mới 31 tuổi và là Phó viện trưởng trẻ nhất Việt Nam vào thời điểm đó.

Chỉ sau 2 năm, vào năm 2015 nữ Phó viện trưởng Lan Anh lại một lần nữa gây ngạc nhiên và đi vào lịch sử khoa học khi được bổ nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt. Sau này những người yêu quý và bạn bè thân thiết đều gọi bà với biệt danh “nữ Viện trưởng trẻ nhất Vịnh Bắc Bộ”.

Với gần 10 năm dài học tập, làm công tác nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực giáo dục, phát triển trí tuệ trẻ em; bà đã từng tham gia nhiều dự án nghiên cứu cấp quốc gia, cấp bộ, đại sứ quán Thụy Sĩ về trẻ em, bình đẳng giới, quyền con người, văn hóa biển và văn hóa Phật giáo.

Là người xuất thân từ chuyên ngành Xã hội học cùng với niềm đam mê nghiên cứu Giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em, Viện trưởng Lê Thị Lan Anh thường xuyên tìm tòi, học hỏi các phương pháp giáo dục mới, tiên tiến nhất từ các chuyên gia giỏi trên thế giới. Hiện nay, ở Việt Nam xuất hiện trào lưu du nhập các phương pháp giáo dục sớm, nhưng nhiều phương pháp trong số đó đã được bà nghiên cứu từ 6 năm trước. Minh chứng cho kết quả nghiên cứu đó là bộ sách 14 cuốn: Toán học thông minh Vinabacus – Học toán học để phát triển đồng bộ 2 bán cầu não, đặc biệt là bán cầu não phải, phát triển đa trí thông minh. 14 Tập sách “Toán thông minh bàn tính Số học Trí tuệ Vinabacus” đã xuất bản từ năm 2012-2015 và trong thời gian tới (Quý 1/2017) 6 tập tiếp theo của bộ sách dự kiến sẽ ra lò. Đến thời điểm này, mô hình trung tâm đào tạo Toán thông minh Vinabacus đã được Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt chuyển giao công nghệ tới 8 tỉnh với 15 trung tâm đào tạo trong cả nước.

Chính từ hoạt động khoa học, đào tạo, chuyển giao công nghệ và viết sách đó: ThS. Lê Thị Lan Anh được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam nghiên cứu về chức năng xuất chúng của Não phải, phương pháp 8 loại hình thông minh.

Đến nay, bà đang là chủ nhiệm của dự án Nghiên cứu Phát triển nhân tài Việt; chuyên nghiên cứu các chương trình giáo dục sớm, phát triển đa trí thông minh, đào tạo kỹ năng mềm, huấn luyện các khóa kỹ năng sống, sinh tồn tự vệ cho trẻ em và người lớn.

Bên cạnh các khóa học cho học sinh, với mong muốn gửi trao đến bố mẹ trẻ những tri thức mới nhất, những kỹ năng thiết yếu, khoa học trong việc nuôi dạy và định hướng cho trẻ, Viện trưởng – ThS. Lê Thị Lan Anh còn thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ miễn phí cho phụ huynh từ Bắc vào Nam. Những chủ đề mà bà đã chia sẻ bao quát trong nhiều lĩnh vực, song đều tập trung giúp bố mẹ phát hiện, khai mở những khả năng tiềm ẩn trong tư duy não bộ; làm bạn cùng con trong quá trình phát triển: Cha mẹ thông thái; Giáo dục sớm ứng dụng phương pháp Flash card Glenn Doman (Mỹ); Thực hành dạy con theo Montessori (Ý); Giáo dục Nhật Bản; Làm bạn cùng con; Yêu con thông thái; Giải mã bí mật cảm xúc (EQ); Bí mật thiên tài của não phải; Trò chuyện với con về giới tính và tình dục an toàn.

Ngoài công tác nghiên cứu khoa học, nữ Viện trưởng Lê Thị Lan Anh còn là chyên gia đầu ngành trong việc: tư vấn mở trường giáo dục sớm theo phương pháp Montessori; đào tạo phương pháp giảng dạy Montessori, Glenn Doman cho giáo viên; kỹ năng giao tiếp và tư duy nghề giáo. Đồng thời bà còn đóng vai trò là huấn luyện viên trưởng các khóa Học kỳ quân đội & Kỹ năng sinh tồn cho trẻ em; Đào tạo MC nhí; Đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, người đi làm & doanh nghiệp qua các chương trình như Talkshow “Xây dựng thương hiệu cá nhân để nhà tuyển dụng chủ động tìm kiếm bạn”. Khóa huấn luyện Prome 10T: Giao tiếp tinh tế, tự tin, thông thái, thực tế và tử tế…

Không dừng lại ở công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, Viện trưởng Lê Thị Lan Anh còn là CEO trực tiếp điều hành các công việc tại Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt; là người sáng lập và chịu trách nhiệm phát triển chuyên môn trong Hệ thống Trường Mầm non Xuân Phong Montessori; là Chuyên gia cố vấn, khách mời thường xuyên trên các kênh truyền hình VTV1, VTV6, VTC14, VTC1, VOV, Truyền hình Hà Nội, Truyền hình Nhân Dân, ANTV & nhiều báo đài khác.

Khi được hỏi “Nữ Viện trưởng trẻ tuổi đa năng quá, vai trò nào cũng nổi bật và xuất sắc, không biết nên gọi bà với danh xưng nào cho phù hợp?”. Bà bật cười và trả lời: “Hãy gọi tôi là nhà nghiên cứu, vì đó là gốc rễ của những thành quả mà tôi có được như ngày hôm nay. Làm khoa học, làm thầy hay làm sếp, nếu không dành thời gian nghiên cứu, đọc sách thì bạn sẽ luôn lạc hậu với thời cuộc. Nếu ví kiến thức trường học như một con dao cùn thì việc cập nhật tri thức là cách mài dao sắc bén. Dùng dao mà cả đời không mài, làm sao chặt được cây to”.

                                                   Tác giả: An Khánh-Minh Tuyến

Trích: Báo Tiếp thị và Gia đình, số 2 ra ngày 9.1.2017